Gỡ khó trong dạy và học trực tuyến

08:01, 19/01/2022

Thời gian qua do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chuyển sang tổ chức học trực tuyến. Đây là phương pháp dễ thực hiện, an toàn vì học sinh có thể ở trong nhà học, không lo dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hình thức dạy học này các thầy cô giáo và học sinh gặp phải nhiều khó khăn.

Để đảm bảo cho việc học online, học sinh phải trang bị những thiết bị cơ bản như điện thoại, máy tính và đường truyền mạng ổn định. Đối với những học sinh đã làm quen với công nghệ sớm thì vấn đề này không khó, nhưng đối với những học sinh gia đình ở nông thôn, thuộc diện khó khăn hoặc chưa tiếp cận được với các công nghệ thì đây là cả một vấn đề cần giải quyết. Có phụ huynh chưa kịp mua sắm thiết bị cho con; có gia đình không có điều kiện mua máy móc cũng như kết nối mạng internet… Ngoài ra, có những gia đình có 2-3 con học trùng giờ thì không có máy để học hoặc gia đình không có phòng riêng cho con, nhiều khi vừa ăn cơm, vừa học, nên rất bất tiện. Cũng không ít gia đình, bố mẹ bận đi làm không thể ở bên để hướng dẫn, hỗ trợ con vào phần mềm học trực tuyến. Bên cạnh đó còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học trực tuyến chưa thật sự hiệu quả, thậm chí còn gây ra áp lực đối với thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh, cô và trò không thể tương tác trực tiếp với nhau. Chia sẻ khó khăn về dạy học online nhiều giáo viên cho rằng, việc dạy học trực tuyến khiến các thầy, cô giáo khó quản lý học sinh, khó giám sát việc học, nếu không có người lớn bên cạnh có học sinh mở máy điểm danh nhưng sau đó không tham gia học. Trong giờ học trực tuyến thường xuyên xảy ra tình huống mất tập trung trong quá trình dạy và học như học sinh quên tắt micro gây ồn ào, thậm chí, có nhiều khi thầy cô gọi không thấy học sinh đâu, bài tập giao nhưng học sinh không làm, học sinh vừa ăn vừa học, vào học muộn, thậm chí còn mở nhạc, chơi game trong giờ. Chị Nguyễn Thủy Tiên, giáo viên Trường Tiểu học Nam Toàn (Nam Trực) cho biết: “Trường ở khu vực nông thôn nên vẫn còn những gia đình khó khăn, không trang bị được trang thiết bị cho con học online. Trung bình mỗi lớp sẽ có khoảng 2 học sinh phải nghỉ học vì không có phương tiện tham gia học. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy bằng phương pháp online, nhiều khi tôi đang say sưa giảng bài, do đường truyền internet chưa tốt, bị ngắt quãng, học sinh không nghe thấy tôi nói gì, gây gián đoạn và giảm chất lượng buổi học”. Chị Phạm Thị Thuận ở thành phố Nam Định cho biết: “Con tôi năm nay lớp 8 đã biết cách mở máy tính để học nhưng khi cháu học vẫn cần người lớn ở bên cạnh để nhắc nhở. Nếu không có bố, mẹ bên cạnh là cháu không tập trung, thậm chí nhiều lúc cháu ngồi trước màn hình máy tính như đối phó”. Chị Trần Thị Hoà ở thành phố Nam Định chia sẻ: “Con tôi năm nay học lớp 1. Năm học đầu tiên đã phải học trực tuyến nên gia đình cũng rất khó khăn trong cách hướng dẫn cháu học. Cháu còn nhỏ, cũng chưa thể tự mở máy tính ra học nên vẫn cần sự sát sao của bố, mẹ. Gia đình phải luân phiên nghỉ làm ở nhà trông con, cho con học”. Đặc biệt, thời gian qua, các cấp học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thi 8 tuần trực tuyến cho học sinh. Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng liệu kết quả thi có thực chất, công bằng, khách quan hay không vì học sinh ngồi thi tại nhà, thầy, cô giáo không thể coi thi khắt khe như thi tại trường, lớp. Các em có thể dễ dàng tìm kiếm đáp án trên mạng hoặc có sự nhắc nhở bài từ phụ huynh. 

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh, để việc học trực tuyến hiệu quả, các nhà trường cần sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu theo hướng giãn thời gian học của học sinh theo các khung giờ khác nhau, không nhất thiết học dồn vào một buổi với 4-5 tiết. Thời gian dạy học của một tiết linh hoạt tùy theo đặc thù môn học, thiết kế của giáo viên trên cơ sở thống nhất trong các tổ chuyên môn. Các thầy, cô giáo cần làm chủ công nghệ, tránh lúng túng trong lúc dạy học sinh; bám sát hướng dẫn tinh giảm nội dung dạy học của Sở GD và ĐT. Ngoài sự bố trí, sắp xếp của nhà trường, sự tận tâm của các thầy, cô giáo thì các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con xây dựng thời gian biểu học tập rõ ràng, cân đối giữa thời gian học tập trực tuyến và làm bài tập trong sách để việc học thực sự đạt hiệu quả. Phụ huynh cũng nên nhắc nhở con ghi chép đầy đủ những nội dung mà thầy cô truyền tải, chủ động hỏi lại giáo viên khi gặp những phần kiến thức khó hay chưa hiểu rõ nội dung. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cùng con tìm kiếm một số giải pháp bổ trợ kiến thức ngoài giờ học chính khóa như xem các bài giảng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, tham khảo các trang học trực tuyến uy tín có bài giảng thu hình sẵn...

Hy vọng rằng, dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để các em học sinh được đến trường học trực tiếp, được giao lưu với bạn bè, thầy cô để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com