Để người lao động nào cũng có Tết

08:01, 24/01/2022

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dù đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn quan tâm thực hiện thưởng Tết cho người lao động với nỗ lực cao nhất.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Xuân Trường trao tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH Lakeland (VIETNAM) Industries.  Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Xuân Trường trao tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH Lakeland (VIETNAM) Industries.

Gắn bó với Công ty TNHH Enter.B Nam Định, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) hơn 3 năm nay nhưng chưa năm nào chị Nguyễn Thị Tươi lại mong ngóng tiền thưởng Tết như năm nay. Chị Tươi chia sẻ: “Năm 2021 là một năm đầy thử thách đối với cả doanh nghiệp và người lao động do đại dịch COVID-19. Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, người lao động cũng rất mong chờ khoản tiền thưởng Tết để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Tuy thưởng Tết mỗi nơi khác nhau nhưng đều là nguồn động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người lao động trong thời điểm này”. Công nhân Trần Thu Hương, làm việc tại Công ty TNHH Youngone (thành phố Nam Định) cho biết, mọi năm đến thời điểm này, doanh nghiệp đã công bố thưởng Tết và tùy từng trường hợp người lao động làm việc lâu năm hay mới vào làm sẽ được nhận mức thưởng khác nhau. Tuy nhiên, năm nay doanh nghiệp chưa công bố mức thưởng nên chị cùng nhiều lao động đang chờ đợi. Theo chị Hương, năm ngoái người lao động làm việc tại công ty được thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương, cao nhất 2,2 tháng lương/người tùy theo thâm niên làm việc; kèm quà của Công đoàn và doanh nghiệp. Hiện tại, công ty đã khôi phục sản xuất, có nhiều đơn hàng nên người lao động rất mong doanh nghiệp công bố thưởng Tết sớm để yên tâm làm việc. Bên cạnh những công ty công bố thưởng Tết sớm vẫn có doanh nghiệp đang cân đối thu, chi để sớm công bố mức thưởng Tết. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trung Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kiaragarments Việt Nam (Trực Ninh) cho biết: Cuối năm, đơn vị vẫn gia tăng tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng. Để giữ chân lao động, bên cạnh lương thì thưởng Tết cũng được đơn vị quan tâm. Đơn vị đã duy trì thưởng tháng lương thứ 13 trên lương cơ bản là 5-6 triệu đồng/người, cộng với thưởng trên hiệu suất lao động. Không chỉ riêng Công ty Kiaragarments Việt Nam, đây cũng là nỗ lực các doanh nghiệp trong tỉnh đang thực hiện nhằm lo cái Tết cho người lao động. Đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, duy trì lương thưởng Tết cũng là cách để giữ lao động và bù đắp những thiệt thòi, khó khăn mà người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện cũng có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, mới chỉ hoạt động trở lại được một thời gian ngắn, chưa có nguồn thu nên thưởng Tết đang là câu chuyện nan giải; khả năng lương thưởng năm nay sẽ giảm khá nhiều so với năm 2021. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, có khoảng 30-50% số doanh nghiệp sẽ giảm số thưởng cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để vẫn duy trì lương tháng 13, coi là một phần thưởng; tuy nhiên, mức thưởng cụ thể sẽ thấp hơn năm 2021.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, LĐLĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, LĐLĐ tỉnh, công đoàn cấp trên cơ sở và 100% công đoàn cơ sở đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gần 10 nghìn đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, LĐLĐ tỉnh đề nghị Công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi động viên những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Đối với khối sản xuất, kinh doanh, việc thưởng Tết còn căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng để “giữ chân” người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết. Hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó ở những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Do đó nếu không chú trọng giữ chân người lao động thì ra Tết, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng chí Hoàng Thị Hiền, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Năm 2021 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng nên cố gắng cân đối tài chính để có chế độ lương, thưởng Tết phù hợp, đảm bảo cuộc sống của người lao động. Về phía người lao động cũng cần có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để có việc làm, thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề. Các cấp Công đoàn trong tỉnh cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, bám sát nội dung, kế hoạch hoạt động, nhất là công tác chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. LĐLĐ tỉnh sẽ phân bổ quà Tết về cho các đơn vị để tặng sớm cho người lao động. Đặc biệt, các cấp Công đoàn cần quan tâm, chăm lo những lao động khó khăn, lao động nhiều năm không có điều kiện về quê đón Tết, lao động bị bệnh, tai nạn lao động và các trường hợp bị nhiễm COVID-19, lao động phải ngừng việc, nghỉ việc trong dịp cuối năm. Cùng với đó, đẩy mạnh các gói hỗ trợ của Công đoàn giúp người lao động an tâm lao động, góp phần cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com