Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Hải Hậu

07:01, 21/01/2022

Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhiều năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngư dân xã Hải Triều chuẩn bị ngư cụ ra khơi.  Bài và ảnh: Viết Dư
Ngư dân xã Hải Triều chuẩn bị ngư cụ ra khơi. 

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn; các đơn vị đào tạo nghề tổ chức tuyên truyền, tư vấn người lao động đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân và giới thiệu những nghề thị trường lao động cần; tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề theo đúng quy định, trong đó ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và hộ cận nghèo, người khuyết tật. Từ năm 2020 đến nay, huyện mở 12 lớp dạy nghề theo Đề án 1956 với 410 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp gồm 4 lớp với 140 học viên được đào tạo nuôi tôm, cua biển, ngao, trồng rau, chăm sóc cây cảnh; 8 lớp với 270 học viên được đào tạo các nghề may công nghiệp và mộc mỹ nghệ. Công tác kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ năm 2020 đến nay, huyện có 17 cuộc kiểm tra tại 12 lớp dạy nghề trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Đối với doanh nghiệp, huyện khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương. Học viên học nghề phi nông nghiệp đều được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định; một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Các học viên học nghề nông nghiệp đã vận dụng kiến thức được học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. 

Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) phát triển trang trại VAC. Hiện trang trại của gia đình ông có khoảng 50 nghìn con gà đẻ, 5.000 con vịt đẻ; 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, gồm trứng gà quê, trứng vịt quê, trứng gà cao cấp Công Phượng; tổng doanh thu hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang (Hải Hậu) với mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng dược liệu kết hợp nuôi cá, quy mô 4ha, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên; trực tiếp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra luôn ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi.

Nhiều địa phương trong huyện đã có hướng đi sáng tạo, kịp thời trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như các xã: Hải Châu, Hải Triều, Hải Lý, Hải Cường, Hải Minh, Hải Anh, thị trấn Thịnh Long... Xã Hải Đường, có khoảng 13 nghìn dân, trong đó có trên 6.500 người trong độ tuổi lao động. Trước khi xây dựng nông thôn mới, kinh tế Hải Đường thuần nông nên người nông dân quanh năm chỉ lo hai vụ lúa và cây cau, một số ly hương đi làm ăn xa. Trước thực trạng trên, UBND xã tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 100 lao động; một số doanh nghiệp “đặt hàng” các học viên sau khi tốt nghiệp nếu đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật sẽ được tuyển dụng làm việc. Xác định hiệu quả của việc liên kết đào tạo nghề, xã Hải Đường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu trong đào tạo, tìm “đầu ra” cho người lao động khi hoàn thành khoá học nghề ngắn hạn. Nhiều lao động của xã sau khi học xong lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã có thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống. Xã Hải Triều có 5.068 nhân khẩu, trong đó có 3.150 người trong độ tuổi lao động. Từ năm 2020 đến nay, xã mở 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 3.000 lao động địa phương. Qua các lớp tập huấn, nhiều kỹ thuật mới về trồng rau màu, nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP; chăn nuôi an toàn sinh học được người dân tiếp nhận và áp dụng vào thực tế sản xuất. Đặc biệt trong nghề truyền thống khai thác thủy sản, sau khi được trang bị các kiến thức mới, người dân đã tập trung đầu tư hoán cải, nâng cấp tàu cá; chuyển đổi từ khai thác thủ công sang bán công nghiệp với nhiều thiết bị hỗ trợ khai thác như: thiết bị định vị, thiết bị dò luồng cá; bộ đàm thông tin liên lạc tầm xa… đưa nghề khai thác thủy sản của xã phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề trên địa bàn xã đạt 69%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,47%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng/năm.

Với nhiều giải pháp thiết thực, đến nay công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của huyện Hải Hậu đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 74%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Thời gian tới, huyện Hải Hậu chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; vận động các cơ sở dạy nghề tư thục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com