Nông dân Giao Thủy thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

08:09, 20/09/2021

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Giao Thủy đã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, qua đó khơi dậy tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, khuyến khích hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình bể tròn nổi tại hộ ông Trần Văn Nam, xóm 20, xã Giao Thiện.
Nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình bể tròn nổi tại hộ ông Trần Văn Nam, xóm 20, xã Giao Thiện.

Sau thời gian đi xuất khẩu lao động, tích lũy được chút vốn liếng, ông Trần Văn Nam, xóm 20, xã Giao Thiện trở về quê lập nghiệp. Ban đầu, ông thuê những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đào ao nuôi tôm theo phương thức quảng canh nhưng hiệu quả chưa cao. Từ cuối năm 2018, ông chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình bể tròn nổi làm bằng bạt. Chi phí xây dựng một bể dung tích 200m3 nước khoảng 200 triệu đồng. Bể nuôi được thiết kết đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt có đáy dạng hình phễu, được đặt nổi hoàn toàn trên mặt đất, hạn chế dịch bệnh từ môi trường bên ngoài, bên trên dùng lưới che giảm bớt nắng nóng. Nhờ đó, ông có thể kiểm soát tốt hơn nguồn nước đầu vào và sinh trưởng của con tôm. Ông Nam cho biết: “Tôm nuôi trong ao nổi dạng tròn có nhiều tiện ích như: Vách bể thẳng đứng nên hạn chế chất bẩn, rong rêu bám xung quanh, giảm được công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn chất bẩn này nên tôm ít dịch bệnh, tỷ lệ sống và mật độ nuôi thả cao”. Hiện tại, gia đình ông có 20 bể nuôi. Cách đó không xa, ông Trần Xuân Thành, anh trai ông Nam cũng có 50 bể nuôi. Trung bình mỗi năm, hai anh em ông xuất bán từ 250-300 tấn tôm. Ông Nam mong muốn thời gian tới sẽ được thuê đất dài hạn hơn để đầu tư mở rộng quy mô nuôi.

Để khuyến khích hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp HND huyện Giao Thủy đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số 3 tỷ 852 triệu đồng cho 387 hộ vay phát triển các mô hình kinh tế. Các cấp Hội còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đến ngày 15-6-2021, tổng dư nợ đạt 162 tỷ 095 triệu đồng cho 5.623 hộ vay. Cùng với đó, các mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp, HTX) tiếp tục được duy trì tại các xã Giao An, Giao Thiện, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Hải, Hồng Thuận, Giao Châu... Nhiều mô hình phát huy hiệu quả kinh tế cao như: Tổ hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống Sa Châu tại xã Giao Châu; tổ hội máy nông nghiệp xã Giao Tân; tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Giao Thiện, Giao An, Giao Hải, Bạch Long; HTX sản xuất nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận... HND huyện cũng tích cực tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ hội về kinh tế tập thể, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể, giúp nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 15 tổ hợp tác, 1 HTX. Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa mạnh mẽ, chất lượng ngày càng nâng lên, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Năm 2020, có 25.345 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, 12.672 hộ đạt; trong đó cấp Trung ương 317 hộ, cấp tỉnh 2.128 hộ, cấp huyện 3.168 hộ, cấp xã 7.059 hộ. Qua tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã biểu dương, khen thưởng 12 tập thể, 36 cá nhân có thành tích xuất sắc. Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển ở các cấp Hội thời gian qua cũng đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng từ 3,3%/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại với quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Toàn huyện có 9 trang trại, 425 gia trại chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao; tập trung ở các xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện, Giao Long, Giao Châu, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Thịnh...; tổng giá trị sản phẩm hàng hóa ước đạt từ 180-190 tỷ đồng/năm. Sản lượng thịt hơi bình quân đạt 14.876 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp, đã hình thành 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Giao Thiện, Bạch Long, Giao Phong. Khai thác hải sản được duy trì và từng bước nâng cao năng lực khai thác xa bờ, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản bình quân đạt 52.889 tấn/năm. Sản xuất giống thủy sản phát triển đa dạng, phong phú, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của các cấp HND Giao Thủy đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Diện mạo nông thôn trong huyện ngày càng đổi mới. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đến nay đạt 92,91%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 65 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 0,93%. 22/22 xã, thị trấn đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp. Năm 2020 toàn huyện có 5 xã (Giao An, Giao Tiến, Giao Hải, Giao Phong, Bạch Long) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26 xóm đạt xóm văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com