Công tác y tế trường học trong tình hình mới

08:09, 13/09/2021

Xác định tầm quan trọng của y tế trường học (YTTH) đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác YTTH, góp phần nâng cao thể chất cho học sinh cũng như chất lượng giáo dục toàn diện.

Test nhanh COVID-19 cho giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định).
Test nhanh COVID-19 cho giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định).

Toàn tỉnh hiện có 750 đơn vị trường học từ mầm non đến THPT. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các trường học đều được đầu tư một số trang thiết bị, danh mục thuốc cơ bản phục vụ công tác YTTH. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được các trường tổ chức linh hoạt bằng nhiều hình thức: phát trên hệ thống loa phát thanh của trường vào giờ giải lao; tổ chức các buổi ngoại khóa hoặc lồng ghép trong các giờ giảng phù hợp với môn học, cấp học. Ngành GD và ĐT, ngành Y tế thường xuyên phối hợp chỉ đạo các trường tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện về giáo dục sức khỏe; thường xuyên kiểm tra công tác YTTH; tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe học sinh. Các đơn vị Y tế tổ chức tốt hoạt động khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh và các bệnh thường gặp cho học sinh tại trường. Duy trì và mở rộng các mô hình điểm về nha khoa học đường, mắt học đường, xây dựng trường học an toàn, lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe trong học đường như tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống thiếu Vitamin A, phòng chống dịch bệnh… Hướng dẫn, chỉ đạo hỗ trợ và kiểm tra, đánh giá các trường về điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo công tác vệ sinh học đường, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh và bệnh tật học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng trong trường học. Tổ chức điều tra, đánh giá về vệ sinh học đường, tình trạng dinh dưỡng tại các trường học. Năm học 2020-2021, trẻ mầm non đến trường được kiểm tra sức khoẻ và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm học chỉ còn 1,73%, giảm so với đầu năm học. Các nhà trường đều có sổ sách, hồ sơ lưu trữ tình trạng sức khoẻ học sinh. Công tác phòng chống bệnh, tật trong trường học được triển khai, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học. 100% cơ sở giáo dục đã thành lập tổ thường trực phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với dịch COVID-19; tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác YTTH vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cán bộ làm công tác YTTH chủ yếu là kiêm nghiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác YTTH còn hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Tuy nhiên, theo quy định, nhà trường muốn được trích chuyển 5% số tiền BHYT học sinh đóng nộp thì yêu cầu trường phải có nhân viên y tế đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh; ngoài ra, phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ, cấp cứu, xử trí ban đầu cho học sinh khi xảy ra tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường. Hiện tại nhiều trường chưa đáp ứng được các yêu cầu trên, do đó thiếu tính chủ động trong triển khai các hoạt động YTTH. Mặt khác, ở tuyến cơ sở, trang thiết bị phục vụ hoạt động YTTH còn thiếu hoặc đã hỏng, chưa có kinh phí để mua mới hoặc sửa chữa, do vậy hiệu quả công tác YTTH chưa đạt như mong muốn. 

Năm học 2021-2022 đã chính thức bắt đầu. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi học sinh là nhóm đối tượng trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện sức khỏe, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Do vậy, quan tâm đầu tư cho YTTH là hết sức cần thiết. Để triển khai hiệu quả công tác YTTH, Sở GD và ĐT và Sở Y tế đang phối hợp chỉ đạo triển khai các đơn vị giáo dục và các cơ quan chuyên môn liên quan thực hiện tốt công tác nâng cao thể chất cho học sinh cũng như chất lượng giáo dục toàn diện; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh COVID-19 nói riêng và các tai, tệ nạn xã hội. Trước mắt, Sở GD và ĐT phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan chỉ đạo củng cố nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác YTTH. Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp cho học sinh. Đồng thời, thực hiện giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục, đặc biệt là dịch COVID-19, để xử lý kịp thời, triệt để. Kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch và kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; 100% trường học được thường xuyên khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên. 100% trường có nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, an toàn và thân thiện và sử dụng tốt, duy trì kiểm tra các điều kiện vệ sinh tại các đơn vị trường học. Duy trì các mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong trường học, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học. Đối với địa phương đang thực hiện giãn cách theo các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ: các trường hướng dẫn cha mẹ trẻ trong việc phối hợp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong thời gian không đến trường. Đối với các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh các cấp đi học tập trung tại trường thì các đơn vị phải nâng cao ý thức thường trực trong việc phòng chống dịch bệnh cho học sinh thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Các cơ sở giáo dục trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh thân thể; thường xuyên vệ sinh phòng học, nơi ăn, ở của học sinh; khuyến khích học sinh tự trang bị bình, ly uống nước cá nhân. Các trường đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục, đạt mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Đáng chú ý việc bảo đảm sức khỏe cho học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh trong thực hiện các hướng dẫn của ngành Y tế và chấp hành các quy định về an toàn phòng dịch tại trường học/.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com