Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

08:07, 23/07/2021

Một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ mừng thọ và lễ hội dân gian truyền thống gắn với việc gìn giữ, phát huy thuần phong, mỹ tục của quê hương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Tuyên truyền nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở thôn Sa Nhì, xã Trực Nội, huyện Trực Ninh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Tuyên truyền nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở thôn Sa Nhì, xã Trực Nội, huyện Trực Ninh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Theo phong tục tập quán của nhân dân ta, từ xưa đến nay, việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội có những lễ nghi, luật tục thể hiện rất rõ đặc thù văn hóa vùng, miền trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Việc tổ chức lễ hỏi, lễ cưới, lễ tang, lễ mừng thọ và lễ hội hiện nay làm thế nào để vừa kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn với yêu cầu ngày càng văn minh, tiết kiệm, lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn hóa mới. Tuy nhiên, từ thực tế một số địa phương trong tỉnh, việc tổ chức các đám cưới, đám tang, lễ mừng thọ, lễ hội vẫn tồn tại xu hướng phô trương, tốn kém, làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống, không phù hợp với sự phát triển chung của xã hội hiện nay. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Chương trình hành động số 04-CT/TU ngày 16-2-2016 thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”; các quy định về trình tự thủ tục, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa… Ngành VH, TT và DL tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Các sở, ban, ngành của tỉnh thường xuyên tuyên truyền giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cụ thể hóa quy định về nếp sống văn hóa theo chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề của cơ quan, đơn vị mình và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự phản ánh biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể điển hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”; góp phần làm chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên thanh niên về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn. Ở các địa phương thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh như: Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, công tác tuyên truyền, vận động người dân được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: qua hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở; qua các buổi hội họp, sinh hoạt của các hội, đoàn thể; qua hệ thống trực quan (pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu); tuyên truyền bằng xe lưu động đến địa bàn thôn, xóm, TDP… Ở huyện Xuân Trường, từ năm 2019, Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng, ban hành Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội”, tạo động lực thúc đẩy xây dựng NTM nâng cao, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025. Đề án được huyện chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời nêu gương, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, cách làm thiết thực của các cá nhân, tập thể tiêu biểu; đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, xóa bỏ triệt để những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy ước nếp sống văn minh. Ở huyện Hải Hậu, công tác tuyên truyền nếp sống văn minh từ huyện đến cơ sở được gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và người dân; trong đó xác định xóm, TDP là địa bàn hạt nhân; cán bộ, đảng viên là nòng cốt đi đầu trong mọi phong trào, cuộc vận động. Ở một số xã, Ban Văn hóa xã phối hợp với Đoàn Thanh niên dàn dựng các tiểu phẩm sân khấu hóa, các tiết mục văn nghệ về chủ đề này để tuyên truyền phát huy vai trò xung kích trong vận động, hướng dẫn người dân tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn minh. 

Sau nhiều nỗ lực, kiên trì tuyên truyền, vận động, đến nay, hầu hết các lễ cưới ở các địa phương trong tỉnh đã giảm được các tập tục nghi lễ rườm rà, nặng tính phô trương lãng phí. Tình trạng ăn uống linh đình kéo nhiều ngày giảm hẳn, chuyển sang hình thức tổ chức tiệc trà, hạn chế tiếp khách bằng thuốc lá. Nhiều đám cưới của gia đình cán bộ, đảng viên, công chức được tổ chức văn minh, tiết kiệm, không khí đầm ấm, gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong việc tang, ở cơ sở Ban tổ chức tang lễ do Ban công tác Mặt trận cơ sở chủ trì, đại diện chính quyền, các đoàn thể địa phương tham gia đảm bảo sự trang trọng cho tang sự. Tại nhiều địa phương, lễ viếng trong đám tang được thực hiện ngắn gọn, sử dụng vòng hoa luân chuyển để chống lãng phí. Các gia đình có người quá cố không tổ chức mời khách ăn cỗ tràn lan. Thời gian khâm niệm, đưa tang đảm bảo quy định; tình trạng rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang giảm hẳn; các hủ tục lăn đường, khóc mướn được xóa bỏ. Công tác tuyên truyền, vận động người dân hỏa táng cho người quá cố bước đầu đạt hiệu quả; hạn chế tình trạng đua nhau xây dựng lăng mộ gây tốn kém. Đối với hoạt động lễ hội, công tác quản lý và tổ chức ở các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Từ các lễ hội làng đến lễ hội lớn quy mô vùng đều được tổ chức trang trọng cả phần lễ, phần hội, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống, hiện đại, lồng ghép các hoạt động tâm linh với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trong lễ hội được tăng cường, xử lý nghiêm các vi phạm như: cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan, nạn ăn xin, hành khất… trong khuôn viên, nội tự, xung quanh di tích và khu vực lễ hội.

Từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Các địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động người dân không tổ chức, tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nhiều gia đình tổ chức đám cưới gọn nhẹ, báo hỷ chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của chính quyền về phòng chống dịch. Các đám tang đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh như: trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, khai báo y tế, tránh tập trung đông người… Các lễ hội chỉ tổ chức các nghi thức tâm linh cúng tế truyền thống, không tổ chức hoạt động phần hội…

Phát huy kinh nghiệm và các kết quả đã đạt được, thời gian tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp về thực hiện nếp sống văn minh. Tăng cường phối hợp các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần”. Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, tạo dư luận mạnh mẽ, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội. Mỗi địa phương xây dựng 2-3 mô hình điểm tổ chức đám cưới và đám tang theo nếp sống văn minh; có sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền địa phương; từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com