Nhớ mãi "Nhà giàn DK1"

07:06, 21/06/2021

Đầu năm Bính Thân 2016, tôi được Ban Biên tập cử đi cùng Đoàn công tác số 2 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân do Đại tá Lê Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy làm Trưởng đoàn để ra thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1 thuộc thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Trong hải trình hơn 12 ngày “ăn sóng, nói gió” cùng Đoàn công tác, tôi đã được nghe những câu chuyện và chứng kiến những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn của lính nhà giàn, những người đã gác lại hạnh phúc riêng, niềm vui tuổi thanh xuân để tiếp bước cha anh, nhận nhiệm vụ canh giữ vùng biển, vùng trời, thềm lục địa thiêng liêng phía Nam của Tổ quốc. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa. Nhà giàn DK1 sừng sững giữa biển trời như một cột mốc đánh dấu chủ quyền thềm lục địa không thể phủ nhận của Việt Nam, hiện đang được những người lính Hải quân ngày đêm canh giữ.

Nhà giàn DK1/14 - Tư Chính 5 sừng sững giữa biển khơi.
Nhà giàn DK1/14 - Tư Chính 5 sừng sững giữa biển khơi.

Điểm dừng chân của hành trình đầu tiên chúng tôi đến là nhà giàn DK1/14 - Tư Chính 5. Cảm xúc vỡ òa sau hơn 230 hải lý, chúng tôi được chứng kiến ngôi nhà sừng sững, hiên ngang giữa biển khơi. Đón chúng tôi là những nụ cười tươi rói của lính Hải quân. Đối với các anh, tình cảm nồng ấm của người từ đất liền ra là món quà lớn nhất. Mỗi chuyến tàu tới gần với nhà giàn nghĩa là đất liền đang ở rất gần. Để tiếp cận nhà giàn là việc đặc biệt khó khăn do sóng lên xuống không ổn định. Rất nhiều chuyến tàu vào mùa mưa bão khi ra tới đây đã không thể tiếp cận và những tiếng hát được cất lên giữa trùng khơi gửi lời chào từ đất liền tới cán bộ, chiến sĩ cắm chốt ở nhà giàn chỉ có thể truyền qua bộ đàm. Chuyến đi của chúng tôi khi đó tương đối “sóng yên, biển lặng” nên việc tiếp cận nhà giàn cũng đỡ vất vả hơn. Nhà giàn DK1/14 chỉ có 2 tầng với vẻn vẹn 80 m2/sàn được chia thành các phòng làm việc chức năng và một phòng sinh hoạt chung. Điều kiện nhà giàn cực kỳ thiếu thốn, không có điện nên phải chạy bằng máy phát và chỉ khi thực sự cần thiết, thiếu nước ngọt, khả năng liên lạc hạn chế. Khả năng tiếp vận chỉ có thể thực hiện được vào những ngày đẹp trời 6 tháng một lần, vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 8. Điều kiện tiếp vận cũng rất khó khăn cho việc tiếp vận bằng tàu hoặc bằng trực thăng. Những người làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1 thường ít nhất phải trải qua 8-9 tháng mới trở về đất liền.

Cuộc sống của những người lính trên các nhà giàn gặp nhiều khó khăn. Đồ ăn hàng ngày chủ yếu là thịt hộp mang ra từ đất liền. Để cải thiện bữa ăn, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn phải áp dụng các biện pháp để tăng gia trồng rau xanh. Khác với ở đất liền, quy trình trồng và chăm sóc rau xanh ở nhà giàn cẩn thận, tỉ mỉ và kỳ công rất nhiều mới đem lại hiệu quả. Theo chia sẻ của Trung úy Lưu Văn Giới, quê xã Đại Thắng (Vụ Bản), hạt giống, đất và khay được đưa từ đất liền ra, mỗi bao đất ở đây được cán bộ, chiến sĩ quý và giữ gìn cẩn thận như muối, gạo. Trước khi gieo, phải đập và phơi đất cho thật khô và tơi. Để cho rau xanh tốt, các anh thường để dưới đáy khay một lớp cá kìm. Đây là loại cá câu được nhiều nhưng thịt không ngon nên dùng để làm phân bón. Các anh đã tận dụng mọi không gian để trồng rau xanh như trồng trong các máng gỗ, treo ngoài lan can hoặc gác trên trần nhà. Nhờ bàn tay chăm sóc của các anh, cùng với những giọt nước hiếm, mầm xanh từ những khay đất bạc mầu cứ vươn dài trong nắng gió đại dương. “Trồng rau xanh vừa để cải thiện, vừa đỡ nhớ nhà. Những bồn rau xanh mọc từ sóng nước, cảm giác đất liền và biển xa gần gũi hơn” - Trung úy Giới chia sẻ.

 Nói về chuyện rau xanh, Thượng úy Vũ Thành An, quê xã Giao Tiến (Giao Thủy) Chỉ huy phó nhà giàn DK1/12 chia sẻ: “Ở ngoài biển khơi, không có bàn tay phụ nữ nên việc gì chúng tôi cũng làm được. Dù là cán bộ hay chiến sĩ, mỗi người một tay, làm nhiều thành quen”. Theo anh An, trồng rau ở nhà giàn DK1 thì mồng tơi là loại rau dễ trồng nhất. Ở giữa biển khơi, trồng rau xanh không chỉ thiết thực nâng cao đời sống bộ đội, mà còn giúp các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ đất liền. Ngoài rau mồng tơi, các chiến sĩ nhà giàn trồng rau muống. Nhiều nhà giàn trồng được cả húng thơm, ớt cay, gừng, riềng...

Trong đêm dừng chân đầu tiên trên nhà giàn, chúng tôi cùng giao lưu với các chiến sĩ kể chuyện đất liền. Các chiến sĩ ôm đàn ghi ta gõ bập bùng. Lời hát “Đời mình là một khúc quân hành” vang dậy cả một vùng sóng nước. Cuộc gặp gỡ, thăm hỏi động viên chỉ vẻn vẹn trong khoảng hơn một giờ hoặc trong một đêm ngắn ngủi nhưng đã khơi lên trong lòng mỗi người một niềm cảm xúc khó tả. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm không thể nào nói hết sự cảm phục của những người thăm nhà giàn. Tất cả đều gửi gắm sự tin tưởng, với lòng quả cảm, tình yêu nước và ý chí mạnh mẽ, các chiến sĩ sẽ vững chắc tay súng bảo vệ sự bình yên cho vùng biển thiêng liêng, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com