Kỷ niệm nghề báo

07:06, 21/06/2021

Mới đó mà đã gần 9 năm tôi trở thành phóng viên báo Đảng. Ngần ấy năm chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để cho tôi có những trải nghiệm, kỷ niệm khó quên về nghề. Để, có một lúc nào đó bất chợt nhớ về những ngày đầu tiên làm báo vẫn cảm thấy bồi hồi, tươi xanh, yêu nghề báo hơn…

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: PV

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ảnh: PV

 9 năm trước, khi bắt đầu nhiệm vụ của một phóng viên Báo Nam Định, mọi thứ đều hết sức mới mẻ đối với tôi. Mặc dù đã có thời gian làm cộng tác cho các báo ở Trung ương trong khoảng 2 năm nhưng khi bắt đầu viết báo Đảng tôi vẫn bị “khớp”. Làm báo Đảng đòi hỏi sự cẩn trọng, nghiêm ngặt trong từng câu chữ, thông tin đăng tải. Đặc biệt khi viết cần hạn chế lối diễn đạt rườm rà, từ ngữ hoa mỹ. Tôi vẫn còn nhớ trong một tin đầu tiên mà tôi viết, từ 500 chữ ban đầu qua các khâu biên tập chỉ còn bằng “bao diêm”. Nhìn bản thảo biên tập, tôi buồn mấy ngày nhưng có thêm quyết tâm để đọc, học và thay đổi. Do được sự chỉ bảo, rèn giũa của Ban Biên tập, tôi đã dần điều chỉnh, tìm được cách viết, cách diễn đạt phù hợp. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm xúc vui sướng khi có bài đầu tiên được đăng báo. Đó là phóng sự ảnh “Những phụ nữ không hoa trong ngày 8-3”. Quá trình tác nghiệp, tôi đã phỏng vấn một số phụ nữ bán hoa dạo trên địa bàn thành phố Nam Định. Họ kể về những vất vả trong công việc mưu sinh. Tôi cảm nhận được nỗi buồn thoáng qua trên những gương mặt người lam lũ, mệt mỏi. Đối với họ, mặc dù ngày nào cũng chăm chút, nâng niu từng cành hoa để bán song vào một ngày đặc biệt dành riêng cho phụ nữ, họ chưa từng được chồng, con tặng hoa. Trong quá trình đi tìm kiếm đề tài và viết bài, cũng có lúc tôi cảm thấy “áp lực” và thực sự mong muốn “làm một cái gì đó nhiều hơn” cho những nhân vật của mình. Đó là vào năm 2016, khi tôi viết bài “Lời kêu cứu của một dòng sông”, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trên con sông Vĩnh Giang chảy qua các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và thành phố Nam Định. Để viết phóng sự này, tôi đi thực tế nhiều lần, chạy dọc ngang qua nhiều đoạn sông “bẩn” đi qua địa phận thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản; tìm hiểu những cống nước xả thải từ KCN Hòa Xá đổ vào một số đoạn thuộc sông Vĩnh Giang như cống xóm Đoài, xã Mỹ Xá và cống sông Chua, thôn Mai Xá, Mỹ Xá (thành phố Nam Định)... Tôi cũng phỏng vấn một số hộ dân sinh sống dọc theo hai bên bờ sông, đặc biệt là người dân ở thôn Đông, xã Đại An (Vụ Bản), nơi vốn được coi như “rốn rác” của sông Vĩnh Giang. Những nhân vật mà tôi phỏng vấn cho biết, vấn đề này được họ kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết triệt để. Việc nhiễm bẩn nguồn nước sông, cả về trước mắt và lâu dài đều dẫn đến nhiều mối nguy hại cho sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Để giúp đỡ tôi, người dân thôn Đông thường xuyên gọi điện trao đổi, sẵn sàng dẫn tôi đi quan sát thực tế, thậm chí vào cả ban đêm khi dòng sông bị xả thải… Chính điều này đã giúp tôi thêm quyết tâm viết bài phản ánh.

Trong gần 9 năm gắn bó với nghề báo, tôi có dịp được đi, gặp gỡ nhiều người, được chứng kiến, được họ kể cho nghe nhiều chuyện. Mỗi người tôi gặp đều để lại những ấn tượng, tình cảm khác nhau. Bác nông dân mà tôi xin chụp ảnh “vội” trên cánh đồng, thậm chí còn không kịp hỏi tên vẫn hồ hởi kể cho tôi nghe về một vụ lạc được mùa. Chị hội viên phụ nữ cắt hoa ven đường phải “nhét” vào tay tôi bằng được mấy cành cúc, cánh hoa vẫn còn đẫm trong sương sớm. Vợ chồng ông lão lái đò ven sông Ninh Cơ bỏ cả khách để kể cho tôi nghe những câu chuyện đời, chuyện “nghề”… Từ câu chuyện của họ, tôi rút ra được những bài học, kinh nghiệm sống quý giá cho bản thân. Cũng chính từ việc đi, học, đọc, viết của nghề báo đã cho tôi nhiều thứ, nhưng cái được vô hình là tôi đã trưởng thành lên nhiều. Đắm mình trong hơi thở của cuộc sống, tôi được mở mang thông qua hoạt động chuyên môn. Bài cho báo Tết Tân Sửu 2021, tôi đặc biệt ấn tượng với những tâm sự, sẻ chia của 6 người thợ gác đèn ở trạm đèn biển Quất Lâm (Giao Thủy). Cảm giác bâng khuâng, buồn buồn, cảm động ấy thôi thúc tôi trong từng câu chữ viết. Khi viết về họ, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, kể về anh thanh niên làm nhiệm vụ dự báo thời tiết trên một vùng dẻo cao xa tít, hiu hắt của đất nước. Công việc hàng ngày nhàm chán, lặp đi lặp lại, nơi ở biệt lập đến nỗi anh “thèm” tiếng người quá phải xuống núi, lăn khúc gỗ ra giữa đường để chặn xe ô tô, “hòng” tìm người nói chuyện. Không ở biệt lập và xa tít tắp như anh thanh niên trong truyện ngắn kia nhưng công việc của những người gác đèn cũng khá nhàm chán. Hàng ngày, nhiệm vụ của những thợ nhà đèn, trạm đèn biển là báo vị trí cửa Hà Lạn, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển của tỉnh định hướng và xác định vị trí. Hiểu một cách đơn giản, nhiệm vụ của họ là bật và tắt đèn. Do đặc thù công việc, những người gác đèn phải thường xuyên xa gia đình, ít khi được về nhà nên với họ, đồng nghiệp là anh em, người thân, thậm chí thời gian họ sống, sinh hoạt cùng nhau còn nhiều hơn thời gian ở bên vợ con. Câu chuyện hàng ngày của 6 người thợ, vì thế luôn “tràn ngập” nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ lơ là nhiệm vụ, bất kể nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố, ngọn hải đăng không bao giờ được tắt, đó là nguyên tắc “dĩ bất biến”, là mệnh lệnh chiến đấu được thợ nhà đèn khắc ghi… Những câu chuyện giản dị cứ thế cuốn tôi đi trong một buổi chiều mùa đông u ám, lạnh giá. Những câu chuyện đời thường ấy chính là chất liệu “đẹp” để tôi viết “Ngọn đèn không tắt”, một trong số bài báo mà tôi thích nhất trong suốt những năm qua...

Với tôi, chặng đường vào nghề chưa dài nhưng cũng đủ để gom nhặt những kỷ niệm thật đẹp về nghề, về những đồng nghiệp Báo Nam Định, về những con người tôi đã gặp, đã viết. Để rồi, đến một độ tuổi nhất định nhìn lại, đọc lại những bài viết bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến, vẫn cảm nhận được “lửa nghề”. Cám ơn nghề báo, nếu được chọn lại, tôi sẽ không đắn đo mà chọn bởi không biết tình yêu nghề đã ngấm vào tôi tự lúc nào./.

Hoa Xuân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com