Nghĩa Hưng chủ động phòng chống thiên tai

08:04, 02/04/2021

Là một trong những địa phương có hệ thống đê lớn chạy qua 19 xã, thị trấn, huyện Nghĩa Hưng xác định công tác phòng chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư trên địa bàn nên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại xã Phúc Thắng.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại xã Phúc Thắng.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Toàn huyện có 101,635km đê, gồm các tuyến đê sông: tả sông Đào 11,417km, tả sông Đáy 34,533km, hữu sông Ninh Cơ dài 18,019km, đê Nam - Bắc Quần Liêu 3,470km và tuyến đê biển 26,325km, đê Cồn Xanh 7,871km. Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, các tuyến đê sông của huyện đã từng bước được nâng cấp, duy tu, cải tạo phục vụ cho công tác PCTT. Tuy nhiên do hệ thống công trình đê điều trên địa bàn huyện lớn nên việc đầu tư nâng cấp chưa được đồng bộ. Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ, bão năm 2021 một số tuyến đê, kè đã xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể trên đê biển, đoạn từ K6+780 đến K7+800 cao trình thấp, chưa đủ theo yêu cầu thiết kế, mặt đê xuống cấp xuất hiện nhiều ổ gà, rãnh nước; đoạn từ K9+008 đến K11+308 mặt đê bê tông bị nứt gãy; đoạn từ K15+382 đến K16+035 đê chưa được kiên cố hóa, mái kè đá lát khan bị bong xô, cao trình đê còn thấp; đoạn từ K23+912 đến K25+925 đê có cao trình thấp, mặt cắt nhỏ, hẹp, mặt đê đất có nhiều ổ gà, rãnh nước, đi lại rất khó khăn. Về đê sông, trên tuyến đê tả sông Đào có gần 1,7km mặt đê rải đá cấp phối đang bị xuống cấp xuất hiện ổ gà, rãnh nước. Tuyến đê tả sông Đáy, các khu vực bãi đầu kè 16, xã Nghĩa Lạc và khu bãi xã Nghĩa Châu do ảnh hưởng của dòng chảy sát bờ gây sạt lở bãi và cơ đê; kè Chi Tây thuộc thị trấn Quỹ Nhất có 40m bị tụt từ đỉnh xuống đến chân, sạt trượt mất đá và sạt lở bãi lấn vào chân đê. Tuyến đê hữu sông Ninh Cơ, kè Quần Khu thuộc xã Nghĩa Sơn đoạn từ K25+725 đến K26+125 một số vị trí mái kè bị bong bật đá, hở vải lọc. Đê bối nam Quần Liêu còn khoảng 500m đoạn cuối đê bối chưa được làm kè hộ bờ, cao trình đê rất thấp, không đảm bảo an toàn trong mùa lũ, bão… Các cống dưới đê phần lớn xây dựng từ lâu, một số cống đang bị xuống cấp và hư hỏng nặng, mới được sửa chữa tạm thời chưa đáp ứng yêu cầu PCTT. Tuyến đê hữu sông Ninh Cơ dài 12,35km đi qua các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong được xác định là trọng điểm PCTT cấp tỉnh; 5 trọng điểm cấp huyện là các tuyến đê thuộc xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hải, Phúc Thắng và các cống Chi Tây, Quần Khu.

Để chủ động PCTT năm 2021, các cấp, ngành, các xã, thị trấn trong huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) PCTT và TKCN; xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN của đơn vị, địa phương mình, tập trung vào các loại hình thiên tai trong nhóm 1 và nhóm 2 như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, hạn hán và xâm nhập mặn. UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về PCTT; phổ biến các văn bản pháp luật về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để nhân dân hiểu và thực hiện theo quy định. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, để chủ động, nâng cao hiệu quả tưới tiêu nước phục vụ sản xuất và PCTT, trong chiến dịch thủy lợi nội đồng đông xuân 2020-2021, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi huyện và các xã, thị trấn đã tập trung tu sửa, xây dựng mới những công trình đã xuống cấp như: nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp bờ vùng, bờ thửa, khoanh vùng chống úng, xây mới, tu sửa các công trình thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương... Toàn huyện đã nạo vét, đắp ấp trúc trên 270 nghìn m3 đất kênh các cấp và bờ vùng; xây mới và sửa chữa 33 cống cấp I và cấp II, gần 300 cống cấp III. Mọi công tác chuẩn bị, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện… đang được Nghĩa Hưng thực hiện bám sát theo phương châm “4 tại chỗ”. Vật tư dự trữ cho các trọng điểm gồm 9.576m3 đá hộc, 85m3 đá dăm, 400 rọ thép, 13.606m2 vải lọc, gần 113 nghìn bao ni-lông, 88.467m2 bạt chống tràn, 29 bộ nhà bạt các loại, 510 áo phao cứu sinh, 2.500 cấu kiện dự trữ... Các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như tre, chà rào, bao đất đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định; phương tiện vận tải như xe ô tô bán tải, xe thồ… để vận chuyển vật tư, nhân lực khi có sự cố xảy ra. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn không nằm trong trọng điểm cũng phải sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tăng cường cho các trọng điểm đảm bảo an toàn đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ thành lập đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác PCTT và TKCN tại các xã, thị trấn. Tổ chức diễn tập PCTT và TKCN với tình huống sát với thực tiễn, qua đó rút kinh nghiệm, củng cố hoàn thiện phương án, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác PCTT và TKCN. Thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều PCTT. Tăng cường đẩy mạnh hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân, đưa hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân vào nền nếp, hiệu quả. Thực hiện thí điểm việc xây dựng một số tuyến đê kiểu mẫu. UBND huyện chỉ đạo Văn phòng BCH PCTT và TKCN huyện, các cụm PCTT thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực lũ, bão theo quy định; khi có tin lũ, bão tổ chức thường trực 24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, bão trên Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo hướng dẫn nhằm chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Để tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành nhiệm vụ PCTT và TKCN, UBND huyện Nghĩa Hưng đề nghị UBND tỉnh, BCH PCTT và TKCN tỉnh, Ban quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình đê, kè trên địa bàn, sớm đưa công trình vào sử dụng phục vụ PCTT đạt hiệu quả cao./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com