Chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

08:04, 02/04/2021

Chưa vào mùa hè nhưng từ đầu năm đến nay, tại tỉnh ta và ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra các vụ trẻ em bị đuối nước. Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng tai nạn đuối nước ở trẻ em diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng, chống các vụ tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là các vụ tai nạn đuối nước, cần tiếp tục có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.

Lớp dạy bơi mùa hè cho trẻ em ở Nhà văn hoá Thiếu nhi thành phố Nam Định.
Lớp dạy bơi mùa hè cho trẻ em ở Nhà văn hoá Thiếu nhi thành phố Nam Định.

Nỗi đau đuối nước

Theo thống kê của cơ quan chức năng về tình hình tai nạn đuối nước hàng năm, tỷ lệ trẻ em tai nạn tử vong đuối nước ở nước ta còn cao, chiếm 22,6% (trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Ngoài ra, trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị, trong đó 55,9% các hộ gia đình có điều kiện kinh tế nghèo tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Các vụ trẻ em đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng (chiếm 77,6%), phổ biến nhất là ở ao, hồ, sông, biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng, còn lại 22,4% xảy ra tại gia đình. Tỉnh ta có bờ biển dài 72km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy cùng với hệ thống các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ... chảy qua địa phận tỉnh với chiều dài 251km. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi, kênh, mương, ao, hồ, đầm dày đặc đan xen khắp các huyện, xã, thị trấn trong tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Trong khi đó nhận thức của người dân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn nhiều hạn chế; việc dạy bơi cho trẻ em gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên có trình độ và thiếu cơ sở vật chất; vẫn còn khu vực nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu sự giám sát, nhắc nhở của người lớn vì vậy nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ mới đến trường còn khá cao… Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 trẻ em tử vong do đuối nước; nhiều vụ đuối nước thương tâm đã để lại nỗi đau lâu dài cho các gia đình, nhà trường và xã hội. Tháng 7-2019, trên địa bàn xã Xuân Tiến (Xuân Trường) xảy ra vụ đuối nước khiến hai cháu bé tử vong tại đoạn sông giữa xóm 1 và xóm 3. Hai nạn nhân gồm cháu: Đinh T.S. (6 tuổi) và Lương X.L (8 tuổi), đều là học sinh Trường Tiểu học xã Xuân Tiến. Hai cháu chở nhau bằng xe đạp, khi lên dốc cầu (cầu nhỏ không có lan can) có thể do sức nặng, không điều khiển được tay lái nên ngã xuống sông. Do đường vắng không có ai chứng kiến tai nạn nên không thể cứu các cháu. Đầu tháng 7-2020, tại xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 cháu nhỏ tử vong gồm các cháu Đỗ Q. M. (13 tuổi), Đỗ A. T. (14 tuổi), là anh em họ, cùng trú tại đội 16. Sự việc đau lòng xảy ra khi 2 em M. và T. xuống kênh trạm bơm Sa Thượng (địa phận đội 11) để tắm. Trong lúc tắm, T. không may trượt chân, bị trôi ra giữa dòng kênh. M. thấy vậy lao ra cứu T. nhưng không cứu được, cả T. và M. đều bị đuối nước. Mới nhất là ngày 19-3 vừa qua trên địa bàn xã Giao Thiện (Giao Thủy) xảy ra vụ đuối nước khiến hai anh em ruột cháu T sinh năm 2015 và cháu Q (sinh năm 2017) tử vong. Theo thông tin ban đầu, sau khi đi học về, hai cháu chơi trên chiếc xe ba bánh trẻ em ngay phía trước nhà, không may rơi xuống sông Văn Bé 2 dẫn đến đuối nước, tử vong. Được biết, xã Giao Thiện có 14-15 con kênh nội đồng ở các xóm. Văn Bé 2 là con sông nội đồng, dài khoảng 1,5km, trong đó có vài trăm mét chạy qua khu dân cư. Năm 2020, trên tuyến sông này đã có một trường hợp bị đuối nước.

Đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, để phòng chống tai nạn, tử vong do đuối nước, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước cho trẻ em. Triển khai thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020, hàng năm, tỉnh tổ chức Lễ phát động về bơi an toàn cấp tỉnh, 100% các huyện, thành phố tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em ở địa phương. Sở LĐ - TB và XH phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước. Cảnh sát Đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) phối hợp với Công an các huyện, thành phố, đơn vị quản lý các bãi tắm, khu du lịch, chủ các bể bơi, đầm, hồ, chủ bến đò ngang... rà soát bổ sung các nội quy, quy định an toàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm thường hay xảy ra tai nạn đuối nước để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Đối với các địa phương có công trình xây dựng, kênh mương thủy lợi đang thi công, lực lượng Công an chủ động tham mưu với UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan chủ quản kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công tuân thủ quy định về cắm biển cảnh báo, rào chắn... không để trẻ em xuống tắm, chơi đùa trong khu vực đang thi công. Ngành VH, TT và DL phối hợp với ngành GD và ĐT phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh, thông qua các cuộc họp, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa...; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục con em về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước. Công tác tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ đuối nước được quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, Sở GD và ĐT đã tổ chức 3 lớp tập huấn về Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em với 471 học viên là giáo viên, hướng dẫn viên các trường tham dự. Sở VH, TT và DL đã tổ chức 4 lớp tập huấn cứu hộ cứu đuối nước có 420 học viên tham gia và cử 15 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức. Hoạt động dạy bơi, dạy kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em được đẩy mạnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 3.656 lớp dạy bơi theo chương trình phổ thông; hơn 360 nghìn trẻ em trong tỉnh tham gia học bơi, học kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; 317 lớp dạy bơi theo Chương trình thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2020. Theo số liệu thống kê của Sở VH, TT và DL, nhờ làm tốt công tác dạy bơi, đến nay 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết bơi; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết kiến thức và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 47/455 trường học xây dựng mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở thể thao tổ chức hoạt động môn bơi, lặn. Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở VH, TT và DL, 100% cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn trên địa bàn tỉnh có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định; 100% địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn có nhân viên cứu hộ, được tập huấn cứu đuối do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và có trang thiết bị cứu hộ theo quy định.

Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 hiệu quả, thời gian tới các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên, giáo viên thể dục về phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước. Mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021-2030 là: 100% các huyện, thành phố triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; phấn đấu 70% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; giữ vững tỉ lệ 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật và các địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước có nhân viên cứu hộ, được tập huấn cứu đuối do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và có trang thiết bị cứu hộ theo quy định./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com