Xã Trung Thành chung tay chăm lo cho người nghèo

08:03, 02/03/2021

Xã Trung Thành là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Vụ Bản cán đích mục tiêu xã không có hộ nghèo (trừ những hộ thuộc diện bảo trợ xã hội). Hiện nay, xã chỉ còn 28 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội là người già neo đơn, không nơi nương tựa. Đạt được kết quả đó, cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Trung Thành luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành, đoàn thể trong xã thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xưởng cơ khí Đình Liệu, xóm Nhì, xã Trung Thành tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Xưởng cơ khí Đình Liệu, xóm Nhì, xã Trung Thành tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Đồng chí Nguyễn Phú Long, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Xã có 13 thôn, xóm với gần 7.000 khẩu, trong đó có trên 4.000 người trong độ tuổi lao động. Để tạo nền tảng vững chắc chăm lo cho người nghèo, trên cơ sở xác định rõ những khó khăn cũng như lợi thế, tiềm năng của địa phương, Đảng ủy xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế. Với lợi thế có tuyến Quốc lộ 38B chạy qua địa bàn, có chợ Dần là chợ lớn trong khu vực, có cụm công nghiệp tập trung nên xã có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh, dịch vụ và các ngành nghề TTCN, thu hút nhiều lao động địa phương vào làm việc. Xã đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên những đối tượng diện hộ nghèo tham gia lớp học. Hàng năm, xã mở các lớp dạy nghề theo đề án 1956 và các lớp do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã tổ chức như: Nghề nấu ăn, nghề may công nghiệp, lớp chăm sóc cây trồng, vật nuôi… tỷ lệ học viên có việc làm ổn định sau khóa học đạt 80-85%. Nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tính đến hết năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện cho vay ủy thác thông qua Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Trung Thành gồm 8 hộ nghèo với tổng số tiền 380 triệu đồng, 41 hộ cận nghèo với số tiền trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại các chi bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao vai trò tiền phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp đỡ các hộ nghèo trong xã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các tổ chức, đoàn thể của xã cũng thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chung tay giúp đỡ các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, Hội Cựu chiến binh xã có nhiều tấm gương phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp họ có việc làm ổn định, thoát nghèo. Ông Vũ Công Dụng, hội viên cựu chiến binh xóm Phố, xã Trung Thành (Vụ Bản) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dụng Lan. Năm 1995, ông kinh doanh tấm lợp kim loại. Từ một cơ sở nhỏ, dần dần phát triển mở rộng kinh doanh sắt thép và tấm lợp kim loại, tôn mạ màu. Năm 2010, ông thành lập công ty để mở rộng phát triển sản xuất. Hiện công ty của ông tạo việc làm cho 12 lao động, thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng, trong đó đa số là con em hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân (những người trước đây đều có thu nhập thấp). Cùng với tạo việc làm cho các lao động, ông Dụng còn ủng hộ các công trình phúc lợi của địa phương; ủng hộ đóng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ tình nghĩa vì đồng đội với số tiền hàng chục triệu đồng. Với truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhiều cá nhân ở xã Trung Thành đã phát tâm giúp đỡ người nghèo. Nhà sư Thích Nhuận Châu, trụ trì chùa Chinh, xã Trung Thành là tấm gương sáng trong công tác nhân đạo, từ thiện. Từ nhiều năm qua, mỗi dịp Tết đến xuân về, ông đã vận động các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “bánh chưng xanh”, trao quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Nhân dịp xuân Tân Sửu 2021, nhà sư Thích Nhuận Châu đã trao hơn 100 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Trung Thành, mỗi suất gồm 1 cặp bánh chưng và 200 nghìn đồng tiền mặt. Để có kinh phí làm từ thiện, ông đã tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ và trích từ tiền nhân dân công đức tại chùa. Trụ trì Thích Nhuận Châu chia sẻ “Ai cũng cần có một tấm lòng, tôi luôn tâm niệm như thế. Suốt nhiều năm qua, tôi luôn cố gắng thực hiện tâm nguyện của mình là giúp cho những chúng sinh có hoàn cảnh éo le bớt đi phần nào cơ cực trong cuộc sống”. “Quê hương là chùm khế ngọt”, bởi lẽ đó nhiều người con Trung Thành công tác xa vẫn luôn hướng về quê hương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Các ông Nguyễn Văn Định, Vũ Văn Bình, Bùi Xuân Huy hàng năm đều ủng hộ Quỹ Khuyến học xã, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa… với số tiền hàng chục triệu đồng. Từ sự đóng góp của nhân dân địa phương và những người con hảo tâm của quê hương, Quỹ của Hội Khuyến học xã luôn duy trì khoảng 100 triệu đồng, trao thưởng cho học sinh vượt khó học giỏi, trợ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học… Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Hội Khuyến học xã đã vận động được gần 300 triệu đồng và nhiều hiện vật phục vụ công tác giảng dạy và học tập trên địa bàn xã như: 15 bộ máy tính, nhiều bảng chống loá, quạt treo tường; tặng gần 800 phần thưởng cho các thầy, cô giáo, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các năm học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, các cháu đỗ đại học, cao đẳng với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. 

Để các hộ nghèo có mái nhà vững chãi, ổn định cuộc sống, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, xã đã hỗ trợ 3 hộ nghèo, mỗi hộ 20 triệu đồng xây nhà mới gồm: bà Vũ Thị Biết, bà Nguyễn Thị Thìn và anh Nguyễn Thế Mạnh. Với những cách triển khai đồng bộ, hiệu quả chăm lo cho người nghèo, nhiều hộ nghèo trước đây của xã đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Tiêu biểu như hộ các anh: Nguyễn Thanh Hương; Vũ Văn Cường đều bị khuyết tật. Trước đây gia đình anh Nguyễn Thanh Hương ở xóm Chinh thuộc diện hộ nghèo của xã. Không chấp nhận số phận, mặc dù bị bại liệt từ năm lên 6 tuổi nhưng anh Hương luôn nỗ lực cố gắng vươn lên trong cuộc sống và xin học nghề sửa chữa điện tử. Sau hơn chục năm nỗ lực vượt qua tật nguyền và được Hội Nông dân xã giúp đỡ đứng ra tín chấp cho vay theo chương trình hộ nghèo, anh Hương đã mở được cửa hàng sửa chữa điện tử. Với bản tính cần cù, chịu khó và luôn không ngừng tiếp thu, học hỏi những kiến thức mới tay nghề sửa chữa các loại sản phẩm điện tử dân dụng như ti vi, đầu đĩa, cát-sét... ngày càng thuần thục. Có việc làm và thu nhập ổn định hằng tháng nên đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, có điều kiện cho 2 con ăn học đầy đủ. 

Thời gian tới, xã Trung Thành tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tham gia ủng hộ, trợ giúp các đối tượng yếu thế cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com