Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

10:02, 08/02/2021

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Trước những yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm và dịch bệnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu dùng phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra mặt hàng bánh, mứt, kẹo, thực phẩm đông lạnh phục vụ Tết Nguyên đán tại một siêu thị ở Thành phố Nam Định Ảnh: Hoàng Vũ Lợi (Chi cục ATVSTP)

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra mặt hàng bánh, mứt, kẹo, thực phẩm đông lạnh phục vụ Tết Nguyên đán tại một siêu thị ở Thành phố Nam Định.

Ảnh: Hoàng Vũ Lợi (Chi cục ATVSTP)

Ngay từ đầu tháng 1-2021, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh và các huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, tập trung xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai các biện pháp đồng bộ như tuyên truyền, phổ biến về VSATTP, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các tuyến, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, VSATTP; tích cực tuyên truyền các thông điệp đảm bảo ATTP trên các loại hình khác như các trang website của Sở Y tế, Chi cục An toàn VSTP, hệ thống bảng điện tử ở các nơi công cộng có đông người qua lại… Hệ thống đài phát thanh, truyền thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thường xuyên phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau Tết, mùa Lễ hội Xuân 2021. Nội dung tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về VSATTP trong dịp Tết, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội… Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 10 cuộc nói chuyện chuyên đề thu hút 562 người; 18 lớp tập huấn cho 905 người; hàng chục tin, bài về công tác ATTP được đăng trên Báo Nam Định, phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; phát trên 2.200 lượt trên đài phát thanh cấp huyện, xã; treo 600 băng rôn, khẩu hiệu, tranh, áp phích tại các công sở, các điểm tập trung đông người, các chợ, các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh; phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền về ATTP… Qua đó góp phần cảnh báo nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý ATTP cũng như nhận thức và ý thức của nhân dân trong lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuộc phạm vi được phân công, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở dịch vụ ăn uống; các làng nghề chế biến thực phẩm nhằm kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm… Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chuẩn bị sẵn các phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh đường tiêu hoá, không để lây lan trong cộng đồng. Sở NN và PTNT thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến hàng thủy sản, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc kích thích tăng trưởng, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo chất lượng hàng hóa nông nghiệp, ATVSTP nông lâm thủy sản. Ngành Công Thương kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không xác định nguồn gốc xuất xứ… đang được sản xuất và lưu thông trên thị trường trong tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế rà soát các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công an tỉnh phố hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm về chất lượng ATTP, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với việc quản lý lĩnh vực theo chuyên ngành, các ngành cũng tăng cường việc phối hợp, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các tuyến để kiểm tra công tác ATTP. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở dịch vụ ăn uống. Tại tuyến tỉnh, 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh gồm các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công Thương, Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 đơn vị gồm: Thành phố Nam Định và các huyện: Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Giao Thủy về sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến trên làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết tại địa phương; việc triển khai các biện pháp quản lý ATTP và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP. Đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đã thanh tra, kiểm tra 762 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 614 cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP, chiếm 80,5% tổng số cơ sở được kiểm tra. Cũng qua thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 148 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có vi phạm về VSATTP; phạt hành chính 94 cơ sở, với tổng số tiền phát 103,5 triệu đồng; yêu cầu 5 cơ sở tiêu hủy 21 loại sản phẩm. Vi phạm, hạn chế chủ yếu là một số cơ sở trang phục bảo hộ cho người lao động chưa đầy đủ; còn thiếu găng tay, mũ... Các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở cơ sở sửa chữa, khắc phục, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP và công tác phòng chống dịch COVD-19. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tổ chức lấy các mẫu thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm SARS-CoV-2, qua đó xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Để phòng chống dịch bệnh COVD-19, tỉnh đã chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội Xuân lớn như Khai Ấn Đền Trần, chợ Viềng Xuân… Tuy nhiên, để kiểm soát tốt dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, bảo vệ an toàn cho người dân vui xuân đón Tết, trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2021, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý ATTP; kêu gọi mỗi người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phầm cần tự nâng cao ý thức tự giác trong công tác đảm bảo ATTP, phòng chống dịch bệnh./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com