Trực Ninh hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội ổn định cuộc sống

06:01, 14/01/2021

Cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Trực Ninh luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác bảo trợ xã hội, hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống.

Cơ sở sản xuất thiết bị thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh) giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Cơ sở sản xuất thiết bị thực phẩm Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh) giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Các trung tâm dạy nghề, các trường nghề thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn; trong đó đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Huyện khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Hàng năm, huyện mở 13-15 lớp dạy nghề cho trên 600 lao động; trong đó phần lớn là lao động học nghề may công nghiệp; còn lại học các nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và các trường nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nông dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tham gia đào tạo truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Nhờ đó, hầu hết học viên đều được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Nhằm giúp các hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo đến 100% các xã, thị trấn. Hết năm 2020, toàn huyện có 52 hộ nghèo được tiếp cận vay vốn để đầu tư vào sản xuất với số tiền 2 tỷ 749 triệu đồng. Nhờ các cách làm hiệu quả, tính đến tháng 12-2020 toàn huyện tỷ lệ hộ nghèo còn 0,81%,  giảm 0,92% so với năm 2019; trong đó tỷ lệ hộ nghèo không thuộc diện bảo trợ xã hội chỉ còn 0,03% (giảm 0,46% so với năm 2019). Đặc biệt, huyện có các xã không còn hộ nghèo không thuộc diện bảo trợ xã hội gồm: Trực Đạo, Trực Nội, Trực Thuận, Trực Hùng và xã Trực Thắng.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện Trực Ninh đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở, lồng ghép trong các hội nghị của các đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với các nhóm người yếu thế trong cộng đồng như: Người khuyết tật, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi không có lương hưu, người cao tuổi cô đơn, người đơn thân nuôi con nhỏ… Phòng LĐ-TB và XH hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát cập nhật danh sách các đối tượng yếu thế, thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng, trên cơ sở đó triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đối tượng bảo trợ; lập hồ sơ bổ sung danh sách đối tượng bảo trợ mới phát sinh hoặc ngừng trợ cấp đối với đối tượng không còn trong diện bảo trợ xã hội. Hàng năm, các xã, thị trấn đều kiện toàn Ban chỉ đạo, Hội đồng xét duyệt chế độ bảo trợ xã hội, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, tiến hành xác định mức độ khuyết tật, thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật; xét duyệt chế độ bảo trợ xã hội cho các đối tượng người cao tuổi (trên 80 tuổi, không có lương hưu hoặc trợ cấp khác); trẻ em mồ côi, người đơn thân nuôi con nhỏ cũng như đưa ra khỏi danh sách các trường hợp không còn đủ tiêu chuẩn… Trong năm 2020, UBND huyện đã quyết định chấm dứt hưởng chế độ bảo trợ xã hội đối với 625 người không còn trong diện theo quy định; chi trả trợ cấp mai táng phí cho 422 người với tổng số tiền 2 tỷ 278 triệu đồng; quyết định cho 603 người được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Tính đến tháng 12-2020 toàn huyện có 8.022 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó có 4.290 người cao tuổi (80 tuổi trở lên), 605 người cao tuổi cô đơn (60 tuổi trở lên) thuộc diện hộ nghèo và 3.127 người khuyết tật và các đối tượng khác… Mỗi tháng, tổng chi trả trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội toàn huyện trên 3 tỷ đồng; các chế độ chính sách được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công tác quản lý hồ sơ, thanh quyết toán kinh phí đảm bảo đúng quy định; Công tác chăm lo, động viên tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được huyện quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời đúng quy định. Trong năm 2020, toàn huyện đã tổ chức thăm, tặng quà cho 7.706 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 4.212 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, 592 người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo và 2.902 người khuyết tật và các đối tượng khác, với tổng kinh phí hỗ trợ  trên 1 tỷ 155 triệu đồng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được cấp thẻ BHYT miễn phí, tạo thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; kịp thời hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn đột xuất; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong các dịp Tết Nguyên đán, cùng với nguồn ngân sách, huyện đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm đã tặng quà nhiều hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã xây dựng 24 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình đặc biệt khó khăn với số tiền 665 triệu đồng. Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” huyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa 9 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với số tiền 270 triệu đồng; Huyện Đoàn vận động hỗ trợ xây mới 2 căn nhà tình nghĩa “Chung tay xây dựng nông thôn mới” với số tiền 115 triệu đồng; Hội Phụ nữ huyện vận động hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7 căn nhà “Mái ấm tình thương” với số tiền 130 triệu đồng; Hội Nông dân huyện vận động hỗ trợ xây mới, sửa chữa 6 căn nhà “Mái ấm nông dân” với số tiền 150 triệu đồng.

Thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo; đảm bảo hộ nghèo tiếp cận được các cơ hội vươn lên thoát nghèo. Quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com