Ý Yên nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân

08:12, 21/12/2020

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên luôn đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong cán bộ, hội viên. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của hội viên đã được phát hiện, nhân rộng.

Anh Nguyễn Hồng Phú, hội viên chi hội nông dân Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Sau khi xuất ngũ về địa phương, thời điểm đó kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy tiềm năng đất đai thích hợp cho việc trồng trọt, chăn nuôi, với ý định làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh đã tham gia sinh hoạt trong tổ chức HND. Được hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, tham quan học tập kinh nghiệm từ nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh đầu tư vốn xây dựng trang trại. Ban đầu, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lại chưa có kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng thu được thấp. Nhờ chủ trương dồn điền đổi thửa và được tạo điều kiện về nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, gia đình anh đã mở rộng quy mô sản xuất trên diện tích 3.000m2, nuôi 2.000 con gà theo hướng áp dụng các biện pháp chăn nuôi bền vững an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Đến nay, trang trại của anh ngày càng phát triển, doanh thu bình quân đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm, trong đó thu từ trứng gà 720 triệu đồng, gà thịt 180 triệu đồng, vịt 212 triệu đồng và khoảng 6 tấn thịt lợn. Không chỉ cung ứng gà giống, thức ăn chăn nuôi cho các hộ trong và ngoài xã, hiện tại, anh còn giúp đỡ 30 hộ chăn nuôi với số tiền trên 2 tỷ đồng không tính lãi, hộ vay nhiều nhất tới 250 triệu đồng; hỗ trợ trả chậm tiền cám và gà giống cho các hộ khó khăn. Hàng năm, anh cùng HND xã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho gần 100 lượt hội viên về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Trang trại và cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp HND, anh và 13 thành viên đã thành lập HTX chăn nuôi Phú Nghĩa với ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết nhau cùng phát triển.

Sản xuất dầu lạc tại cơ sở Hiệu Hường, xã Yên Cường (Ý Yên).
Sản xuất dầu lạc tại cơ sở Hiệu Hường, xã Yên Cường (Ý Yên).

Trong 5 năm qua, các cấp HND huyện Ý Yên đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó đã tổ chức 425 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho 38.215 lượt hội viên; phối hợp tổ chức 34 lớp dạy nghề cho 1.190 lao động nông thôn, sau học nghề 70% lao động có việc làm và thu nhập ổn định. HND các cấp trong huyện còn phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tín chấp cho 9.188 lượt hộ vay với dư nợ trên 1.894 tỷ đồng, nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với dư nợ 129  tỷ đồng cho 7.064 lượt hộ vay. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 2 tỷ 783 triệu đồng cho 255 hộ hội viên vay phát triển sản xuất. Nhờ chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phong trào thi đua và các điển hình tiên tiến của HND huyện Ý Yên đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương cán bộ, hội viên điển hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như hộ ông Vũ Đình Tuấn, xã Yên Phúc với mô hình nuôi cá lồng trên sông Đào, sau khi trừ chi phí bình quân mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3-4 lao động với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi với trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap, cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi năm bán ra thị trường từ 120 đến 140 tấn thực phẩm, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 7 lao động có thu nhập ổn định. Năm 2020 cơ sở có 2 mặt hàng tham gia xây dựng sản phẩm OCOP là thịt lợn tươi, thịt lợn sấy. Ông Chu Văn Lượng, xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi, hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Ông Lê Thanh Hà, xã Yên Bằng, chủ cơ sơ sản xuất tương ớt và sa tế Oihinsu - sản phẩm đã được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, được giới thiệu để tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Tổng doanh thu năm 2020 của cơ sở đạt 6,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 9 lao động có thu nhập ổn định. Ông Hoàng Văn Hùng, xã Yên Khang với mô hình chăn nuôi thỏ hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Dưỡng, xã Yên Hưng với mô hình chăn nuôi thủy sản. Ông Lê Tiến Cần, xã Yên Thọ với mô hình trang trại chăn nuôi an toàn và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ông Hà Xuân Thức, xã Yên Tân với mô hình trồng dưa chuột, cà tím... và đầu tư hệ thống sấy lúa công suất 40 tấn/ngày... Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, xuất hiện nhiều mô hình cánh đồng lớn ở các xã Yên Trung, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Dương; tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên trên thị trường, nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện Ý Yên có 18 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP như gạo sạch Toản Xuân xếp hạng 4 sao; đậu bắp, rau muống, dưa chuột (HTX Nông nghiệp Nam Cường); tương ớt Quang Vinh (Yên Bằng); sa tế Oihinsu (Yên Bằng); dầu lạc Hiệu Hường (Yên Cường)...

Thời gian tới, HND huyện Ý Yên tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp nông dân tổ chức sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; duy trì thường xuyên việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa, thu hút hội viên học tập, làm theo./.

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com