Sức lan tỏa từ phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Nam Trực

07:12, 04/12/2020

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Nam Trực thời gian qua được đẩy mạnh, đã tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các tôn giáo cùng đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân, những khó khăn, phức tạp tại cơ sở, góp phần xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Lãnh đạo xã Nam Tiến (Nam Trực) trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo xã Nam Tiến (Nam Trực) trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, tập hợp, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tùy đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị, các cấp ủy Ðảng đã định hướng, lựa chọn, xác định nội dung phù hợp từ đó khéo léo trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện được đẩy mạnh theo hướng vì nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác trong công tác, trong sinh hoạt để nhân dân tin tưởng và noi theo. Một số cấp ủy còn trực tiếp đối thoại, công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi có quyết định những việc có liên quan đến dân. Nhiều cấp ủy phân công trách nhiệm cụ thể cho đảng viên làm công tác vận động quần chúng, giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM)... Cán bộ, công chức, viên chức trong huyện tích cực xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, quan tâm giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở. Ðến nay, toàn huyện có 960 mô hình “dân vận khéo” tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, các thôn xóm, tổ dân phố khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo của nhân dân trong lao động sản xuất, kinh doanh, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Trong phát triển kinh tế, nhiều mô hình, điển hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nghề, làng nghề, tạo việc làm mới cho nhiều lao động. Tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Ninh, hội viên nông dân xã Nam Toàn mạnh dạn ứng dụng KHKT trong trồng, lai tạo cây cảnh đem lại thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng, nhiều năm liền đạt hộ sản xuất kinh tế giỏi cấp tỉnh. Mô hình phát triển nghề đan cói và cung cấp cói của chị Nguyễn Thị Hợi thôn Ðô Ðò xã Nam Lợi tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập từ 80 đến 200 nghìn đồng/1 ngày. Cơ sở may của chị Vũ Phương Thuý ở Chi hội phụ nữ số 10 xã Nam Hoa tạo việc làm cho 15 lao động nữ có thu nhập ổn định. Từ quân ngũ trở về địa phương, các CCB Vũ Ðức Bỉnh, Ðỗ Văn Vinh ở xã Nam Thái đã thành lập công ty xây dựng thu hút trên 50 lao động, chủ yếu là con em CCB và cựu quân nhân tham gia. Anh Lê Tuấn Vũ, thị trấn Nam Giang là chủ cơ sở sản xuất chảo chống dính, giải quyết việc làm cho 5 lao động có thu nhập từ 5-7 triệu đồng. Chị Hoàng Thị Miều, Chi hội phụ nữ số 2 xã Nam Thắng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây cỏ Nhật cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động. Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội của huyện có trên 200 mô hình “Dân vận khéo” tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tích cực tham gia khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa... đã góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, cải thiện và nâng cao chất lượng, cuộc sống của nhân dân. Trong đó mô hình “Ban chủ nhiệm nhà văn hóa” hiện được thành lập ở hầu hết các nhà văn hóa trong huyện do đồng chí bí thư chi bộ làm chủ nhiệm nhằm tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân và cán bộ hội viên, đoàn viên thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào của địa phương. Hội Phụ nữ huyện thành lập hàng chục mô hình CLB văn hóa - văn nghệ thu hút hàng trăm hội viên tham gia để giao lưu, tổ chức văn nghệ vào ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của địa phương. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh có nhiều mô hình điểm. Tiêu biểu là mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá nhiều tụ điểm cờ bạc, ma túy và tội phạm tại cơ sở. Hội CCB huyện với mô hình tổ “CCB vì dân” ở các thôn xóm, số lượng của tổ từ 10-15 CCB, cựu quân nhân hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và quản lý của trưởng thôn, xóm tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, pháp luật Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, các phong trào của địa phương, nhất là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị xuất hiện nhiều mô hình, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Ðảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động chính quyền các cấp gắn với cải cách hành chính, rèn luyện tác phong của cán bộ công chức. Những năm qua, chi bộ thôn Chiền Nguấn, xã Hồng Quang luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban công tác Mặt trận, các hội, đoàn thể cùng nhân dân xây dựng các công trình phúc lợi, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Chi bộ Ngưu Trì xã Nam Cường tuyên truyền vận động hàng trăm hộ dân hiến đất, hiến công sức để góp phần cùng nhân dân trong xã hoàn thành tuyến đường huyết mạch chạy qua. Ðặc biệt, phong trào dân vận khéo đã tạo sức bật lớn góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện. Ðến nay, các xã: Nam Hồng, Nam Hùng, Ðồng Sơn đã được UBND tỉnh công nhận xã NTM nâng cao; 8 xã: Nam Thắng, Ðiền Xá, Hồng Quang, Nam Hoa, Nam Dương, Nam Thái, Nam Tiến, Nam Lợi phấn đấu về đích trong năm 2020. Ðến cuối năm 2020, xã Nam Tiến đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, 13 khu dân cư hoàn thành NTM cao, kiểu mẫu. Ðồng chí Phạm Văn Hợp, Bí thư Ðảng ủy xã Nam Tiến cho biết, những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là tập trung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Ðảng ủy đã phân công đồng chí phó bí thư thường trực Ðảng ủy làm trưởng khối dân vận; các đồng chí chủ tịch Ủy ban MTTQ và phó chủ tịch UBND xã là phó trưởng khối dân vận cùng thành viên là trưởng các ban, ngành, đoàn thể của xã. Ðể nâng cao hiệu quả công tác dân vận, mỗi đảng viên trong Ðảng bộ đều phải thực hiện công tác vận động quần chúng, gương mẫu thực hiện chức trách trong đơn vị và nghĩa vụ công dân nơi cư trú, hoạt động tích cực trong đoàn thể mình tham gia, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia, trong đó 70 hộ dân đã tự nguyện hiến gần 7.000m2 đất làm đường giao thông, đường nội đồng, các thiết chế văn hóa, thể thao. Người dân trong xã cùng những người con quê hương xa quê đã đóng góp khoảng 25 tỷ đồng bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng công trình văn hóa tâm linh, hơn 3 tỷ đồng xây dựng các nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao..., tạo cảnh quan nông thôn khang trang, hiện đại.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phong trào “Dân vận khéo” của huyện Nam Trực đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, tăng cường sự gắn bó giữa Ðảng với nhân dân, củng cố vững chắc và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh./.

Bài và ảnh:  Đức Thiện


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com