Quan tâm chăm lo cho người khuyết tật

07:12, 03/12/2020

Trên địa bàn tỉnh hiện có 42.221 người khuyết tật (NKT), trong đó có 31.895 NKT nặng và đặc biệt nặng không có khả năng lao động được trợ cấp hàng tháng. Với truyền thống tương thân, tương ái, nhiều năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, trợ giúp NKT; triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, đáp ứng nguyện vọng và các nhu cầu cơ bản của NKT, giúp họ từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Một tiết học của cô và trò Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy.
Một tiết học của cô và trò Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình đăng ký lập hồ sơ làm các thủ tục theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội với NKT; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời phối hợp với địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp thẻ BHYT; cấp xe lăn; xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí… Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 31.895 NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 35.457 NKT có thẻ BHYT, 15 NKT được hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, 7 NKT đang được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng… Thực hiện công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, từ năm 2011 đến nay Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với Trường Đại học Điều dưỡng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng, phương pháp phòng bệnh cho 7.614 người, trong đó có 2.958 người mù gia đình có người bị tâm thần. Mỗi năm toàn tỉnh có hàng nghìn lượt đối tượng được tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, 100% người tâm thần ở các thể tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần tại cộng đồng được cấp sổ theo dõi và cấp phát thuốc thường xuyên hàng tháng; 10.695 NKT tâm thần được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Đề án trợ giúp NKT, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách của Đề án, thu hút NKT tham gia học nghề. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ sở dạy nghề có uy tín, chất lượng và doanh nghiệp tổ chức các lớp học nghề dành riêng cho NKT gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, giúp họ có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, tự tin hoà nhập cộng đồng. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, thực hiện Đề án trợ giúp NKT, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 NKT được hỗ trợ học nghề. Các nghề chủ yếu là: May công nghiệp, chạm khắc gỗ, xoa bóp bấm huyệt. Phương pháp đào tạo được thực hiện theo mục tiêu hiệu quả, NKT được dành phần lớn thời gian để thực hành. Trên địa bàn tỉnh hiện có Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định) và Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy có tổ chức dạy nghề cho các em khuyết tật. Các trung tâm dạy nghề như: Hội Người mù tỉnh và thành phố Nam Định, Hội NKT tỉnh… cũng tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã chung tay dạy nghề, tạo việc làm sau đào tạo cho hàng chục NKT mỗi năm, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần 27-7 Hải Hậu, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Hương… Theo số liệu tổng hợp của các cơ sở dạy nghề, hàng năm, khoảng 60% số NKT sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. Cùng với sự hỗ trợ, chung tay của các doanh nghiệp, thời gian qua đã có hàng trăm lượt gia đình có NKT được hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi, tạo việc làm tại cộng đồng cho NKT. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 100 NKT có việc làm mới ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT đã trở thành những tấm gương sáng truyền cảm hứng trong cộng đồng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (30 tuổi), xã Yên Quang (Ý Yên) bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Với mong muốn giúp đỡ phần nào cho các em nhỏ khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ngọc Tâm đã tổ chức các lớp học, sáng lập quỹ khuyến học, không gian đọc miễn phí mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh”. Anh Nguyễn Minh Tân, 32 tuổi (thành phố Nam Định) với biệt danh “Tân Lì” không may mắc bệnh Wilson khiến toàn bộ cơ thể bị co rút. Cùng với người bạn đồng hành là chiếc xe lăn, anh Tân đã rong ruổi khắp thành phố Nam Định để đi bán tăm bông kiếm tiền nuôi bản thân và đóng góp vào các quỹ từ thiện giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ…

Theo công bố của Tổng cục Thống kê năm 2019 về kết quả Điều tra quốc gia về NKT tại Việt Nam, dự báo tỷ lệ NKT trên cả nước trong tương lai có chiều hướng gia tăng do tác động của việc già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Bên cạnh đó, NKT hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Nhận thức của xã hội về vấn đề NKT còn hạn chế. Việc đảm bảo khả năng tiếp cận, sử dụng các công trình phúc lợi công cộng cho NKT như lối đi trong công viên công cộng, hệ thống giao thông hỗ trợ NKT còn thiếu; công tác trợ giúp chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, đào tạo... cho NKT còn hạn chế. Trước thực trạng đó, ngày 1-11-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác NKT. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho NKT bằng hình thức phù hợp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức Đảng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NKT… Ngày 5-8-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 với mục đích nhằm thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và Luật NKT, cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư quan tâm trợ giúp NKT; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT; hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình.

Để chăm lo tốt hơn cho NKT, thời gian tới, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT với những hoạt động thiết thực như hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ giúp NKT về giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp; tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định để NKT có điều kiện từng bước tự đảm bảo cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no./.

Bài và ảnh: Viết Dư


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com