Làm giàu nhờ học hỏi kinh nghiệm từ internet

08:10, 02/10/2020

5 năm trước, anh Đỗ Văn Sâm, xã Phương Định (Trực Ninh) đã bén duyên với nghề trồng lan. Từ chỗ yêu thích rồi đam mê, anh đã tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan trên mạng internet và bắt tay thử nghiệm trồng những giò hoa đầu tiên. Anh chia sẻ: Trồng hoa lan, nhất là những giống lan quý đòi hỏi sự kỳ công như chăm con mọn. Ngoài việc duy trì tưới nước đều đặn ngày hai lần vào 5 giờ sáng và 6 giờ chiều, còn phải thường xuyên quan sát, theo dõi tỉ mỉ từng giò hoa, phát hiện các loại dịch bệnh để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Trong chăm sóc, cung cấp dưỡng chất nuôi cây, anh tuân thủ tưới bằng dịch chuối tự chế, phân trùn quế và phân nén, đảm bảo cho cây phát triển tốt trong từng giai đoạn, nhất là thời điểm ra hoa. Đặc biệt, năm 2017, khi được tham gia vào CLB “Nông dân với internet”, anh càng có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích vườn gần 200m2 với hệ thống tưới nước phun sương tự động, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, anh đang sở hữu khoảng 400 giò lan, chủ yếu là lan phi điệp được thị trường ưa chuộng với hàng trăm loại khác nhau; giò rẻ nhất từ 1-2 triệu đồng, giò đắt khoảng vài chục triệu đồng. Đặc biệt, trong vườn còn có một giò bạch tuyết trị giá 900 triệu đồng. Anh Sâm cho biết: “Là thành viên CLB “Nông dân với internet” Phương Định 1, tôi đã được tham gia các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Qua đó, học viên được hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet; giới thiệu những gương hội viên có mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả nhằm khích lệ các thành viên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ với nhiều hội viên khác; hướng dẫn cách khai thác, tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản…”. Không chỉ làm giàu cho bản thân, thu về mỗi năm vài trăm triệu đồng từ trồng lan, anh Sâm còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên của “CLB lan sông Ninh”.

Anh Đỗ Văn Sâm, xã Phương Định (Trực Ninh) nhờ áp dụng kiến thức từ mạng internet đã làm giàu bằng nghề trồng lan.
Anh Đỗ Văn Sâm, xã Phương Định (Trực Ninh) nhờ áp dụng kiến thức từ mạng internet đã làm giàu bằng nghề trồng lan.

Còn tại thôn Lúa, xã Minh Tân (Vụ Bản), chị Nguyễn Thị Thanh Hương từ một nông dân chưa biết đến điện thoại thông minh, máy tính, mạng internet, khi trở thành một trong 25 thành viên tham gia CLB “Nông dân với internet”, chị đã được tiếp cận với nhiều kiến thức bổ ích. Chị Hương cho biết: Trước đây, bà con nông dân chúng tôi sản xuất chủ yếu bằng phương pháp truyền thống, canh tác dựa vào kinh nghiệm qua các mùa vụ. Nhưng từ nay, ở bất cứ đâu, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, tôi có thể tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất về trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, tham gia CLB, tôi càng có điều kiện giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những nông dân khác, tìm hiểu các chế độ, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó, hàng năm, năng suất cây trồng được nâng cao, việc sản xuất, kinh doanh của tôi và bà con nông dân thuận lợi hơn.

Ngoài anh Sâm, chị Hương, nhờ tham gia CLB “Nông dân với internet”, nhiều thành viên đã biết khai thác hiệu quả những thông tin hữu ích trên mạng để phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu như: Ông Vũ Trung Trực, CLB Trung Đông 1 (Trực Ninh) - hội viên nông dân tiêu biểu trong việc tích tụ ruộng đất sản xuất lúa lai cho Công ty Cường Tân, thực hiện thành công mô hình máy cấy lúa theo công nghệ mới, tạo việc làm cho 5-7 lao động thời vụ, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Hộ các ông Trần Văn Thắng, Trần Văn Hậu, thành viên Tổ hợp tác VAC, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đã tìm hiểu kỹ thuật trên mạng internet áp dụng trồng rau sạch trong nhà lưới và giới thiệu, quảng bá sản phẩm để tiêu thụ đạt hiệu quả. Thành viên tổ hợp tác Long Phú, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho đàn thỏ đảm bảo không mắc dịch bệnh, thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng… Thành viên CLB “Nông dân với internet” Trung Thành 1 và 2 (Vụ Bản) thường xuyên lên mạng cập nhật các thông tin về về kinh nghiệm sản xuất thâm canh các loại giống cây trồng có năng suất cao, học hỏi lẫn nhau các mô hình phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại; một số thành viên còn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gặt, máy cuốn rơm rạ, đầu tư xưởng may, xưởng dệt bao bì, thu hút lao động, tăng thêm thu nhập… 

Để nâng cao việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin cho hội viên nông dân, từ năm 2016, Nam Định được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn là một trong 9 tỉnh thực hiện dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam” do Tập đoàn Google tài trợ. Trong 3 năm (từ 2017 đến 2019), dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận, sử dụng và chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đời sống của cán bộ, hội viên nông dân. Thành viên các CLB “Nông dân với internet” còn khai thác được nhiều thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và các thông tin hữu ích khác trên mạng để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án tỉnh đã chọn cử 4 thành viên tiêu biểu đi học tập, nghiên cứu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc; tổ chức hội thi “Nông dân với internet”; qua đó hội viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế.

Với ý nghĩa đó, thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hoạt động của các CLB “Nông dân với internet”, kết nạp thêm các thành viên mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục mở rộng địa bàn thực hiện dự án, giúp cho ngày càng có nhiều cán bộ, hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, góp phần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đấy sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com