Cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học: Còn nhiều trăn trở

08:09, 25/09/2020

Những ngày qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công bố Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có một nội dung thu hút dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo đó, tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 32 có một nội dung thay đổi so với quy định trước đây tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT, là học sinh không được “sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ), các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” trong khi trước đây quy định học sinh không được “sử dụng ĐTDĐ hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”. 

Làm rõ hơn về quy định mới này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học của Bộ GD và ĐT cho biết, quy định học sinh dùng ĐTDĐ trong giờ học để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu phục vụ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên. Theo ông Thành, trước đây Thông tư 12 cấm hoàn toàn việc sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, còn Thông tư 32 chỉ cấm việc sử dụng ĐTDĐ mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng của học sinh sẽ có sự quản lý của giáo viên. Cũng theo các nhà quản lý giáo dục xây dựng quy định này thì việc thay đổi là do bối cảnh xã hội hiện nay đã thay đổi với sự phát triển của công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ tới việc dạy và học, phương pháp và hiệu quả học tập.

Luồng ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng trên thế giới nhiều quốc gia phát triển cho học sinh sử dụng ĐTDĐ từ năm lớp 1 hay “công nghệ sẵn có là để nhà trường áp dụng cho học sinh thay vì “sợ” chúng”. Nhiều phụ huynh cho rằng ĐTDĐ là phương tiện quan trọng giúp họ kiểm soát, nắm bắt kịp thời tình hình con cái trong khoảng thời gian các con đi học hàng ngày; đây là quy định phù hợp với xu hướng dạy và học hiện đại… Có bài báo nêu rằng hầu hết các gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay đều đã sắm ĐTDĐ cho con sử dụng đến trường (?!) Tuy nhiên không thể đánh đồng việc các gia đình (không bắt buộc, tùy hoàn cảnh và quan điểm của mỗi nhà) sắm ĐTDĐ cho con nhưng có điều kiện như cấm sử dụng trong trường học, giờ học… với việc ngành Giáo dục cởi mở quy định cho phép các cháu sử dụng trong giờ học, việc sắm điện thoại cho con sẽ là bắt buộc, “phổ cập”.

Luồng ý kiến không đồng tình thì cho rằng việc quy định cho học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học thì việc quản lý học sinh sử dụng ĐTDĐ trong nhà trường nói chung không khác gì “thả gà ra đuổi”. Ngay ở các nước phát triển như Mỹ thì vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi, một số trường cũng cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp học. Trên thực tế mặc dù phải công nhận ĐTDĐ đã thay đổi cách con người giao tiếp, nhưng chúng ta vẫn chưa thống nhất quan điểm rằng liệu những thiết bị di động có thực sự là một công cụ hữu ích trong việc dạy học. Vô số những âu lo không phải là vô cớ như “liệu các học sinh đang lắng nghe bài giảng hay nhắn tin với bạn bè? Các em thậm chí có thể đang chơi game, xem video thay vì tập trung vào tiết học” mặc dù có giáo viên cho rằng có thể kiểm soát được học sinh có đang sử dụng ĐTDĐ vào việc học hay không thông qua việc quan sát thái độ của học sinh (?!) Tuy vậy với thời lượng mấy chục phút với vài chục học sinh trên lớp thì việc kiểm soát không hề đơn giản. Chi phí mua điện thoại, chi phí “nuôi” điện thoại cũng là một nỗi lo lắng chính đáng với nhiều gia đình khi mà các chi phí học thêm, sách giáo khoa… và đủ thứ khác cho việc học hành của con cái đã đang là một gánh nặng lớn, thậm chí là trở ngại cho không ít trẻ trên con đường đến trường! Rồi do tâm lý lứa tuổi, việc học sinh đua đòi, so bì ganh tị về điện thoại đắt tiền và rẻ tiền, vấn đề an ninh trật tự, an toàn cho học sinh trước các tệ nạn xã hội, nhất là tình trạng sử dụng điện thoại làm món quà tặng hấp dẫn thu hút các nữ sinh rồi lợi dụng các em vào mục đích xấu,… là những nguy cơ hiện hữu, không phải là “lo xa”. Thậm chí đối với chính thầy cô, việc học sinh với khả năng nhanh nhạy về công nghệ trong giờ học được dùng điện thoại thông minh có tất cả các tính năng, ứng dụng tiện ích như phương tiện truyền thông hiện đại chắc chắn cũng sẽ mang đến áp lực không nhẹ khi lên lớp. 

Thông tin trên báo chí cho biết Ban giám hiệu nhà trường học khu Forest Hills, gần thành phố Grand Rapids, Michigan (Mỹ) đã có quyết định cấm sử dụng điện thoại cả ngày trong năm học này, bao gồm cả giờ nghỉ trưa. Thầy giám thị chia sẻ với tờ Education Week lý do đưa ra lệnh cấm này là họ “muốn cho học sinh thời gian giải lao thực sự thoải mái và không tồn tại bất kỳ năng lượng tiêu cực nào khi các em nhắn tin cho nhau hay đăng các bài trên mạng xã hội”. Ở trong nước, Trường Marie Curie (Hà Nội) cho học sinh mạng điện thoại đến trường nhưng đầu giờ học bắt buộc phải để chế độ im lặng và nộp điện thoại. Chỉ đến cuối giờ, trước khi ra về các con mới được cầm điện thoại, ngay cả giờ ra chơi học sinh cũng không được dùng điện thoại. Học sinh nào sử dụng điện thoại sẽ bị giáo viên tịch thu có thời hạn và trả về cho phụ huynh. 

Nếu xem lại các clip về bạo lực học đường, những vụ việc lạm dụng học sinh đau lòng, tình trạng suy nghĩ lệch lạc, nạn bắt nạt học đường, phân biệt “giàu nghèo” trong môi trường học đường… do chính học sinh quay và được đăng tải trên các trang mạng xã hội thời gian qua thì có thể khẳng định việc phụ huynh lo lắng khi cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong lớp học là hoàn toàn có lý. Nhiều trường hợp học sinh chứng kiến các vụ đánh nhau nhưng không lo tìm người hỗ trợ can ngăn mà đứng xem, quay clip để đăng. Mặc dù không thể phủ nhận internet là kho thông tin, kiến thức khổng lồ nhưng thiết nghĩ không phải không sử dụng ĐTDĐ trong giờ học thì học sinh không thể khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên học liệu quý giá đó phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của mình. Nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận trên các báo điện tử, mạng xã hội nêu ý kiến không đồng tình với quy định mới này.

Từ 1-11-2020 Thông tư 32 sẽ có hiệu lực. Mặc dù theo người đại diện của Bộ GD và ĐT thì thẩm quyền cụ thể việc cho học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học như thế nào, cho dùng hay không là quyền của các nhà trường, giáo viên các môn học quyết định phù hợp với thực tiễn đơn vị. Dĩ nhiên, không phải vì những vụ việc bất cập, tiêu cực do học sinh sử dụng ĐTDĐ xảy ra trong thời gian qua để nói rằng cần cấm triệt để. Nhưng nếu không nghiên cứu tính toán và chuẩn bị thật kỹ mọi điều kiện cho cả thầy và trò, đặc biệt là việc nắm bắt tâm lý, thái độ và giáo dục tư tưởng, nhận thức cho học sinh để triển khai thực hiện quy định này thì hậu quả sẽ khó lường. Ban giám hiệu, các tập thể sư phạm cần chuẩn bị các giải pháp một cách thấu đáo và phải đảm bảo quán triệt xuyên suốt yêu cầu “lấy học sinh làm trung tâm”, xây dựng môi trường học đường thân thiện, hạnh phúc “cho học sinh và vì học sinh”./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com