Thành phố Nam Định nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

07:09, 25/09/2020

Thành phố Nam Định hiện có 29 trường mầm non, trong đó có 25 trường công lập, 4 trường tư thục. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho cán bộ, giáo viên. 

Tiết mục văn nghệ của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định).
Tiết mục văn nghệ của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định).

Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường tập huấn chuyên môn theo các chuyên đề; nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng, giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên. Qua đó, chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non các trường trên địa bàn được nâng lên. Hiện 100% cán bộ, giáo viên của thành phố đạt chuẩn trở lên; trong đó tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt 67%. Để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở 1 Trường Mầm non Bình Minh, cơ sở 2 Trường Mầm non Văn Miếu (gồm 17 phòng học và 6 phòng chức năng), đồng thời tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng học cho Trường Mầm non Sao Vàng, Trường Mầm non Văn Miếu; xây 1 bếp ăn mới cho Trường Mầm non Hàn Thuyên với tổng kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa khoảng trên 27 tỷ đồng. Phòng GD và ĐT thành phố cũng đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị, đồ chơi cho 25 trường mầm non công lập với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Các trường đã thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng thiết bị, đồ chơi một cách hiệu quả. Các thiết bị ngoài trời được các nhà trường đặt ở nơi có bóng mát hoặc được che chắn cẩn thận. Các nhà trường đã tích cực huy động cha mẹ trẻ và các lực lượng xã hội đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động; huy động sự ủng hộ, tài trợ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động học tập vui chơi của trẻ; đặc biệt, huy động các nguồn lực xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định chất lượng và đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Năm học 2019-2020, thành phố có thêm 2 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn và đạt kiểm định chất lượng giáo dục, gồm: Trường Mầm non Mỹ Xá được công nhận lần đầu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2, đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; Trường Mầm non Thống Nhất công nhận lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3 và đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. 

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, Phòng GD và ĐT thành phố tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện nền nếp chuyên môn, đẩy mạnh hoạt động dự giờ thăm lớp, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm khám phá môi trường xung quanh; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng, tăng cường hoạt động chuyên môn để các cơ sở giáo dục mầm non chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Phòng GD và ĐT thành phố cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD và ĐT, của tỉnh về đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực trong các cơ sở giáo dục. Cả 29 trường mầm non đều đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc chuyên đề “Đẩy mạnh phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”. Hàng năm, vào đầu năm học, Phòng GD và ĐT thành phố ban hành quy chế thực hiện các hoạt động chuyên môn, trong đó có các tiêu chí đánh giá công tác đảm bảo an toàn cho trẻ về mọi mặt; chỉ đạo các trường tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất và tinh thần, yêu cầu các nhóm lớp đón trả trẻ theo đúng quy chế, thực hiện việc giao ca chặt chẽ. Tại các buổi họp phụ huynh, các nhà trường hướng dẫn nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ như: Phổ biến các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ thường gặp ở gia đình, trên đường tới trường, trong việc đón, trả trẻ và nguy cơ ngộ độc thực phẩm..., từ đó giúp cha mẹ trẻ nhận thức được trách nhiệm và có kiến thức, kỹ năng phòng tránh các yếu tố gây nguy hiểm cho trẻ. 

Với những nỗ lực đó, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn thành phố được nâng cao; các cơ sở giáo dục mầm non đều đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Các trường đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ, thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Cả 29 trường mầm non trên địa bàn đều tổ chức nuôi ăn bán trú. Số trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 100% số trẻ ra lớp. Các trường tổ chức cho trẻ nhà trẻ ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ, trẻ mẫu giáo ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ với mức đóng góp từ 22-28 nghìn đồng/trẻ/ngày. 100% các trường tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường. Các trường đã thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thức ăn 24/24h và ký hợp đồng có thời hạn với các nhà cung cấp thực phẩm để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp thực phẩm, đảm bảo luôn mua được thực phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý; đồng thời đầu tư kinh phí, mua sắm bổ sung các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cho các nhà trường như tủ sấy bát, tủ lạnh, tủ cơm, xoong nồi inox... với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non và chủ nhóm lớp tư thục được tập huấn về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Các trường mầm non xây dựng thực đơn theo mùa, thực hiện tính khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ theo đúng quy định tại Thông tư 28/2019/TT-BGDĐT đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng, đủ năng lượng theo nhu cầu của trẻ; kết hợp tuyên truyền cho phụ huynh học sinh thực hành chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý giúp trẻ phát triển thể chất; phương pháp chăm sóc đối với trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì. Trong năm học 2019-2020 các trường mầm non của thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Cuối năm học tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 0,8%, giảm 0,6% so với đầu năm học; tỷ lệ trẻ thấp còi còn 1,1%, giảm 0,5% so với đầu năm học. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ mầm non, thời gian tới thành phố Nam Định, các phường, xã và các nhà trường tập trung giải pháp khắc phục các hạn chế như: Số trẻ trên lớp đông so với diện tích lớp học, tỷ lệ trẻ/giáo viên cao so với quy định nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ; nhiều giáo viên trẻ mới ra trường kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm còn hạn chế; thời gian giáo viên đứng lớp quá nhiều; diện tích khuôn viên của nhiều trường nhìn chung rất nhỏ hẹp, một số trường xây dựng đã lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, ảnh hưởng đến môi trường học tập cho trẻ... Cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục thành phố phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ với phương châm lấy trẻ làm trung tâm trong các hoạt động chăm sóc và giáo dục, nâng cao tầm vóc và sự sáng tạo của trẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com