Tâm huyết với trẻ em tự kỷ

08:09, 25/09/2020

Nhiều năm gần đây, số lượng trẻ em mắc các bệnh tự kỷ, rối loạn tăng động, giảm chú ý... ngày càng tăng, trở thành nỗi lo lắng, vất vả của nhiều gia đình. Dạy trẻ tự kỷ là một hành trình đầy gian nan và thử thách. Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến, giảng viên bộ môn tâm lý học Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã dành gần 20 năm vượt qua mọi khó khăn, vất vả để dành trọn tâm huyết với nghề.

Các cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Yến Minh, cơ sở ở thành phố Nam Định hướng dẫn các em nhỏ bị tự kỷ vận động.
Các cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Yến Minh, cơ sở ở thành phố Nam Định hướng dẫn các em nhỏ bị tự kỷ vận động.

Khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Yến thấy nhiều phụ huynh phải nghỉ làm, vất vả đưa con lên Hà Nội trọ, học tại các trung tâm dạy trẻ tự kỷ. Chính vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý học năm 2002, cô đã về quê ở thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) mở lớp dạy cho các em nhỏ bị tự kỷ với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình, đem lại niềm vui cho những số phận kém may mắn. Ban đầu cô nhận một số em trong khu dân cư về dạy tại nhà để củng cố kiến thức, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Chỉ sau một thời gian ngắn, “tiếng lành đồn xa”, số lượng trẻ đến theo học cô ngày một đông hơn. Năm 2006, cô quyết định đầu tư cơ sở vật chất để mở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Yến Minh ở phường Hạ Long (thành phố Nam Định), tiếp nhận dạy trẻ tự kỷ. Lớp học do một tay cô gây dựng, từ sắp đặt bàn ghế đến lựa chọn đồ chơi, đồ dùng học tập. Mặc dù thiếu kinh phí để lo cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, có chuyên môn nhưng được sự ủng hộ, động viên của gia đình, người thân và tâm huyết với nghề nên cô đã từng bước tạo dựng được trung tâm. Tuy trung tâm nằm trong ngõ khá sâu nhưng có những phụ huynh ở các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình... không quản xa xôi tìm đến học. Tại 2 cơ sở của trung tâm do cô Yến làm giám đốc hiện có 40 em học sinh với 10 giáo viên. Cô Yến cho biết, biểu hiện của những em bị mắc bệnh tự kỷ thường xuất hiện ngay từ khi còn bé, cha mẹ trẻ thường có thể phát hiện thấy khi con ở độ tuổi từ 18-36 tháng. Đó là chậm phát triển ngôn ngữ (lớn dần trẻ có thể mất khả năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất cứ thời điểm nào), hành vi hạn chế, các cử chỉ lặp lại, thiếu quan hệ cảm xúc với người khác, thích xoay chuyển đồ vật, tập trung vào các đồ vật có chuyển động lặp… Tuy nhiên, cũng có những trường hợp triệu chứng rối loạn giao tiếp của tự kỷ không được phát hiện cho đến khi những yêu cầu từ phía môi trường vượt quá khả năng của các em. Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này theo cô Yến là do môi trường sống không lành mạnh, trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại mà không có sự giao lưu, giao tiếp với người nhà. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến trẻ gặp phải các bệnh về tâm lý... Dạy trẻ em bình thường vốn được xem là một công việc đầy gian nan nhưng dạy trẻ tự kỷ còn khó nhọc, vất vả hơn rất nhiều. Bởi, công việc này đòi hỏi người giáo viên không chỉ có chuyên môn vững mà còn phải có lòng thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm. Mỗi trẻ tự kỷ có một hoàn cảnh riêng, có một môi trường sống riêng nên các em có hành vi và cảm nhận khác nhau, vì thế để có thể giúp các em ý thức được xã hội, hòa nhập với cộng đồng thì phải có phương pháp và chương trình dạy khác nhau. “Vì mỗi em có một biểu hiện khác nhau nên các cô giáo không có một giáo án hay một phương pháp cụ thể nào có thể áp dụng trong quá trình dạy. Các cô giáo phải tùy vào tình trạng của từng em cộng với kinh nghiệm riêng để giúp các em phát triển ý thức và tư duy. Các giáo viên vừa phải có lòng nhiệt tình, chịu khó vừa có sự đồng cảm với các em học sinh để quan sát, nắm bắt và đánh giá đúng tình trạng của từng trẻ và có cách dạy, cách trị liệu riêng”, cô Yến chia sẻ. Cùng với việc đánh giá đúng tình trạng của trẻ, giáo viên phải luôn kiên nhẫn. Có những bé đã lên 5, 6 tuổi nhưng những động tác đơn giản như cầm nắm, chào hỏi... đều không làm được nên các cô phải dạy lại từ đầu. Có những em tự kỷ nặng, chỉ một hành động đơn giản như nắm tay, ngồi lên, ngồi xuống, cầm bút mà tập 20 lần, 30 lần vẫn chưa làm được. Để dạy những em nhỏ bị tự kỷ làm một việc nào đó phải tính bằng tuần, bằng tháng chứ không tính theo giờ như trẻ bình thường. Ngoài sự quan tâm, dạy dỗ của các cô giáo thì sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh là điều thực sự cần thiết. Bởi với học sinh tự kỷ, bố mẹ và giáo viên phải thường xuyên tác động, uốn nắn, đưa trẻ vào khuôn khổ mọi lúc mọi nơi mới mong có hiệu quả. Qua 18 năm đồng hành cùng trẻ tự kỷ, cô giáo Nguyễn Thị Yến đã giúp hàng trăm trẻ tự kỷ trong tỉnh và một số tỉnh ngoài với tỷ lệ trên 90% trẻ cải thiện bệnh, giúp nhiều gia đình giảm chi phí và công sức chăm sóc con cái mắc chứng bệnh chậm phát triển. 

Công việc tuy vất vả, khó khăn nhưng khi thấy các em nhỏ dần tiến bộ hơn, các cô giáo ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Yến Minh lại rạng rỡ nụ cười, mọi cố gắng, nỗ lực của các cô giáo như đã được đền đáp, từ đó có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày. Thời gian tới, cô giáo Nguyễn Thị Yến đang ấp ủ dự định thuê ra địa điểm rộng rãi, dễ tìm hơn để đầu tư trang thiết bị, phòng học được đầy đủ, đáp ứng việc dạy và học cho các em nhỏ nâng cao khả năng nhận thức, kỹ năng giao tiếp, tương tác với xã hội./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com