Quan tâm xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã

07:09, 30/09/2020

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, đặc biệt khi có bão, lũ xảy ra, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp xã theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Diễn tập xử lý tình huống sóng triều dâng cao gây xói lở thân đê tại xã Hải Lý (Hải Hậu).
Diễn tập xử lý tình huống sóng triều dâng cao gây xói lở thân đê tại xã Hải Lý (Hải Hậu).

Xã Bạch Long có 3,2km đê biển là tuyến đê trọng yếu của huyện Giao Thủy, vì vậy để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão năm nay, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định công tác PCTT là một nhiệm vụ trọng tâm; trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT tại chỗ bảo đảm sẵn sàng xử lý các sự cố cũng như ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai. Đồng chí Đỗ Đình Chung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước mùa mưa bão, UBND xã đã tổ chức kiểm tra, rà soát tổng hợp chi tiết, cụ thể lực lượng xung kích tại các xóm, đội và lập danh sách tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng xung kích và thống nhất các phương án xử lý đê điều khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa bão. Lực lượng nòng cốt của đội xung kích PCTT của xã là lực lượng dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên và các ban, ngành, đoàn thể luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Cụ thể, lực lượng PCTT gồm 10 tổ dân quân của 10 xóm, mỗi tổ 50 người; lực lượng cơ động 31 người và lực lượng tuần tra 18 người. Xã chuẩn bị đầy đủ vật tư gồm: 1.000m3 đất, 2.264 cọc tre, 300 cây phi lao, 4.525 chiếc bao, 5 ô tô tải, 2 máy phát điện, 70 phao cứu sinh, 40 chiếc áo phao, 1 nhà bạt, 4 loa cầm tay và các dụng cụ cần thiết khác… Thực hiện Luật PCTT, Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương, UBND tỉnh về việc triển khai xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã, từ đầu năm 2020, UBND huyện Giao Thủy đã chỉ đạo 22 xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ huy PCTT cấp xã và xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định. UBND huyện phân bổ lực lượng xung kích cho các xã, thị trấn với tổng số 4.450 người; xây dựng, củng cố đội xung kích PCTT và biên chế thành các trung đội do đồng chí Chỉ huy trưởng Quân sự xã làm trung đội trưởng. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác thủy lợi, trung đội trưởng dân quân, lực lượng quản lý đê nhân dân, trưởng điếm của các xã có đê sông, đê biển để thống nhất các phương án xử lý đê điều khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa bão; tổ chức diễn tập PCTT để rút kinh nghiệm, bổ sung phương án PCTT của xã, thị trấn phù hợp với tình hình thực tế. 

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện lực lượng xung kích PCTT cấp xã của tỉnh có 27.487 người phân bổ ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Trong đó, các xã đã bố trí lực lượng thường trực PCTT khoảng 50-60 người/xã chủ yếu gồm lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, công an. Lực lượng này đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” của địa phương với các nhiệm vụ: Bảo quản vật tư, trang thiết bị dự trữ; hướng dẫn nhân dân PCTT (chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu, thuyền…); tuần tra, canh gác bảo vệ đê, tham gia hộ đê và xử lý giờ đầu các sự cố về đê, kè, cống. Tổ chức sơ tán dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, nhân dân khi thiên tai xảy ra; xử lý các tình huống sự cố kịp thời trước, trong và sau bão, lũ; hướng dẫn, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai… Ngoài ra, lực lượng này còn có trách nhiệm tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kịp thời các phương án, kế hoạch PCTT; hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm an toàn khi thiên tai xảy ra; kiểm tra, kịp thời phát hiện và báo cáo các sự cố về đê điều trên các tuyến đê sông, đê biển; tham gia diễn tập PCTT năm 2020; tham mưu tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT năm 2020… 

Tuy nhiên, theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hiện nay việc đào tạo, huấn luyện các kỹ năng ứng phó từng tình huống thiên tai cho lực lượng xung kích PCTT tại cấp xã còn hạn chế, chưa thường xuyên nên khi có tình huống triển khai, đặc biệt trong một số tình huống thiên tai khẩn cấp còn lúng túng. Trong khi đó, trang thiết bị PCTT cứu hộ, cứu nạn và thiết bị bảo hộ cho lực lượng này còn thiếu. Một số xã, thị trấn đã lập danh sách lực lượng tham gia công tác PCTT tại địa phương song lực lượng này không làm việc ổn định tại địa phương nên khi cần huy động thì một số người lại không có mặt do đang đi làm ăn xa. Do vậy, để lực lượng xung kích PCTT hoạt động hiệu quả cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; lực lượng này cần được trang bị cơ bản các thiết bị bảo hộ, trang thiết bị PCTT và TKCN; lấy lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt và bổ sung kịp thời những thanh niên thường xuyên có mặt tại địa phương. Trước mùa lũ, bão hàng năm cần rà soát danh sách để kiện toàn cho phù hợp, bảo đảm kịp thời huy động khi có tình huống xảy ra. Phối hợp tốt với các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn để tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Việc phân, giao nhiệm vụ cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã phải cụ thể, sát thực tế để tổ chức thực hiện; duy trì thường xuyên hoạt động của lực lượng xung kích PCTT, nhất là trong mùa lụt bão. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng của lực lượng xung kích PCTT để mỗi thành viên trong lực lượng nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như được người dân trên địa bàn quan tâm ủng hộ. Hàng năm có cơ chế hỗ trợ cho ngân sách địa phương về phụ cấp, quần áo bảo hộ, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng xung kích PCTT. Sau đợt kiểm tra tình hình hoạt động của lực lượng xung kích PCTT của các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần có nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực để xây dựng, củng cố đội xung kích PCTT tại địa phương bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Sở NN và PTNT khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng xung kích PCTT cấp xã; đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định sử dụng nguồn kinh phí cho các hoạt động của đội xung kích PCTT cấp xã. Trước mắt, tập trung xây dựng mô hình điểm về xây dựng, phát triển lực lượng xung kích PCTT của các xã, thị trấn có đê, sau đó mở rộng ra toàn tỉnh. Việc xây dựng các đội xung kích phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học từ quá trình xây dựng lực lượng, cơ chế vận hành, phương án xử lý các tình huống thiên tai… Các xã, thị trấn chủ động nghiên cứu các quy định tại Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27-3-2020 để có kế hoạch triển khai thực hiện một cách cụ thể theo lộ trình, bảo đảm hiệu quả. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở cần nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống lụt bão, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo, phát huy tối đa hiệu quả lực lượng xung kích PCTT của địa phương góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com