Để Luật Giao dịch điện tử đi vào cuộc sống

08:09, 01/09/2020

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) có hiệu lực từ ngày 1-3-2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy GDĐT và phát triển thương mại điện tử. Trên địa bàn tỉnh ta, sau 15 năm thực hiện, Luật GDĐT đã đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng các GDĐT trong thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng. 

Cán bộ Văn phòng UBND huyện Hải Hậu kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng tại xã Hải Bắc.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Cán bộ Văn phòng UBND huyện Hải Hậu kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng tại xã Hải Bắc. 

Ngay sau khi Luật GDĐT được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai công tác tuyên truyền, ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển, ứng dụng GDĐT; triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử... Trên cơ sở đó, các sở, ngành chức năng và các cơ quan có liên quan đã tổ chức thông tin, tuyên truyền về GDĐT với nhiều hình thức như tổ chức hội thảo, tập huấn nhằm đảm bảo thực thi Luật một cách hiệu quả. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chính sách phát triển CNTT, ứng dụng GDĐT trong các cơ quan Nhà nước. Qua đó, đã có nhiều văn bản mang tính then chốt, tạo cơ sở cho việc đưa Luật GDĐT ứng dụng vào thực tế việc quản lý, điều hành và phát triển kinh tế số như: Quyết định số 2147/QĐ/2008/QĐ-UBND ngày 22-10-2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Nam Định giai đoạn 2008-2015, định hướng đến năm 2020 Quyết định 5-2016-QĐ-UBND ngày 16-3-2016 quy định về việc trao đổi và sử dụng văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Nam Định; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 21-8-2018 về triển khai ứng dụng chữ ký số giai đoạn 2018-2020… Trong đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan thực hiện 7 đề án thương mại điện tử thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 gồm: ‘’Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tỉnh Nam Định’’; “Tuyên truyền kiến thức pháp luật về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2016”; ‘’Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định giải pháp bán hàng trực tuyến’’; ‘’Xây dựng, vận hành giải pháp thu thập và quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Nam Định’’; ‘’Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nam Định’’… Đến nay, hạ tầng kỹ thuật, nền tảng ứng dụng CNTT phục vụ các GDĐT của các cơ quan Nhà nước được đầu tư đồng bộ. Trong đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được mở rộng, kết nối từ tỉnh đến tất cả các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, đảm bảo về kỹ thuật, kết nối, an toàn thông tin và phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử. Hệ thống mạng diện rộng WAN của tỉnh hoạt động ổn định, phục vụ trao đổi thông tin giữa các đơn vị, đồng thời đã kết nối với Chính phủ trên mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo việc liên thông, trao đổi văn bản, dữ liệu từ 4 cấp. 100% đơn vị các cấp tỉnh, huyện, xã có hệ thống mạng nội bộ (LAN); 95% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối mạng internet tốc độ cao (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật). 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện; trên 80% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính sử dụng trong công việc. Tỉnh cũng đã đầu tư Trung tâm dữ liệu của tỉnh đặt tại Sở TT và TT đáp ứng yêu cầu triển khai các phần mềm dùng chung như Quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trục kết nối liên thông của tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin của sở, ban, ngành, địa phương. Đồng thời tỉnh cũng hoàn thiện khung Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0 làm cơ sở triển khai hiệu quả các ứng dụng thành phần như trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử của tỉnh liên thông đến 100% các cơ quan Nhà nước của tỉnh và liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; xây dựng và duy trì nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh và được kết nối với nền tảng dữ liệu của Bộ TT và TT. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh xây dựng được các cơ quan trong tỉnh triển khai có hiệu quả như: Cơ sở dữ liệu quản lý dân cư; quản lý doanh nghiệp; cấp đổi giấy phép lái xe; quản lý số liệu về cơ sở hạ tầng giao thông; Khoa học và Công nghệ; dự án đầu tư; tài chính, thuế, hải quan, kho bạc; bảo hiểm; đất đai; y tế; hộ tịch… Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia GDĐT. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Luật GDĐT trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế như: Hạ tầng CNTT, đặc biệt là hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo mật theo quy định. Các cơ sở dữ liệu CNTT, nhất là 6 cơ sở dữ liệu ưu tiên và các cơ sở dữ liệu ngành lĩnh vực còn rời rạc, chưa có sự liên thông, kết nối, chia sẻ để nâng cao hiệu quả sử dụng. Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các doanh nghiệp còn hạn chế, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn chưa cao. Nguồn nhân lực CNTT và an toàn thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước. Công nghiệp CNTT của tỉnh chưa được hình thành, đa phần các doanh nghiệp CNTT của tỉnh có quy mô nhỏ, sản phẩm và thị trường hạn chế, chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, chưa tập trung đầu tư nhiều cho nghiên cứu, sản xuất; chưa có doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh; chưa thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về lĩnh vực công nghệ thông tin đầu tư. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với GDĐT nói chung và thương mại điện tử nói riêng còn hạn chế.

GDĐT đã góp phần đổi mới lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT index) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh. Vì vậy để nâng cao chất lượng hoạt động GDĐT trên địa bàn tỉnh vì sự phát triển và hội nhập, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Luật GDĐT; cập nhật Khung Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định phiên bản 2.0 và hoàn thiện Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh cũng như đầu tư xây dựng một số cơ sở dữ liệu khác như: Cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội tích hợp trong Hệ thống báo cáo của tỉnh; cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực văn hóa, thông tin… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung quy định để khẳng định giá trị pháp lý của chữ ký số, tài liệu điện tử cũng như quy định về định danh và xác thực của văn bản điện tử. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để ứng dụng các thành tựu công nghệ mới trong việc phát triển GDĐT; ban hành các quy định đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia trong các hợp đồng thương mại điện tử và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com