Quỹ khuyến học khuyến tài - Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo vượt khó

06:07, 01/07/2020

Trong những năm qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, qua đó, khích lệ tinh thần hiếu học của học sinh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp học sinh nghèo có cơ hội tiếp tục đến trường. 

Các em học sinh nghèo vượt khó ở Trường THCS Nghĩa Hưng trao đổi bài trước giờ học.
Các em học sinh nghèo vượt khó ở Trường THCS Nghĩa Hưng trao đổi bài trước giờ học.

Trước đây, quỹ khuyến học của xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) chỉ có khoảng 20-30 triệu đồng. Do kinh phí eo hẹp nên các hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo, động viên học sinh giỏi của xã còn nhiều hạn chế. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Hội Khuyến học xã đã phát động quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ quỹ khuyến học, trong đó, các chi hội, dòng họ đã kêu gọi, vận động nhân dân, những người con quê hương đang làm ăn sinh sống thành đạt ở khắp mọi miền đất nước ủng hộ quỹ vào các dịp lễ, tết, giỗ tổ. Quỹ khuyến học thôn được xây dựng trên tinh thần tự nguyện của các hội viên. Nhiều dòng họ, thôn xóm xây dựng quỹ bằng nhiều cách như: góp tiền gửi tiết kiệm để trích lãi thưởng cho con cháu thi đỗ đại học, đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh nghèo… Với phương thức này, nhiều dòng họ đã duy trì và phát triển quỹ từ 10 đến 15 triệu đồng để phát thưởng cho con cháu. Trong đó có nhiều chi hội có số quỹ từ 20 triệu đồng trở lên như chi hội họ Đới, họ Đỗ ở thôn Hải Lạng Trang, họ Nguyễn Trại, chi hội 2 ở thôn Hạ Kỳ, họ Bùi và Văn chỉ ở Hưng Lộc, họ Phạm ở thôn Thượng Kỳ, chi hội Trường THCS Nghĩa Thịnh… Đặc biệt, gia đình bà Hoàng Thị Buốt, người con quê hương đang sinh sống tại Hà Nội đã ủng hộ hơn 1,5 tỷ đồng cho quỹ khuyến học xã để hàng năm trao thưởng, động viên thầy cô giáo ở các nhà trường, các em học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong giảng dạy và học tập. Nhiều dòng họ đã động viên con em trong họ học hành thành đạt về thăm quê nhân ngày giỗ tổ… để nhớ về cội nguồn và lấy việc xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài thúc đẩy sự phát triển của dòng họ. Do có sự động viên tích cực từ Hội Khuyến học xã đến các chi hội, dòng họ, trong những năm học gần đây, nhiều học sinh đã cố gắng vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT, vào đại học ngày càng cao. Với số quỹ trên 1,6 tỷ đồng, hàng năm xã đã trao thưởng cho trên 100 em học sinh giỏi, trên 40 em thi đỗ vào đại học và khoảng 10 em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt được hỗ trợ. 

Đối với huyện Nam Trực, công tác xây dựng quỹ đã được HĐND các xã, thị trấn, các cơ sở Hội đưa vào nghị quyết, kế hoạch với định mức cụ thể để phát động hội viên và nhân dân tham gia đóng góp. Quỹ khuyến học xóm, tổ dân phố được xây dựng tự nguyện của hội viên, trong đó động viên người có thu nhập cao đóng góp thêm; những người con xa quê học hành thành đạt tham gia đóng góp quỹ. Trong 10 năm qua, tổng quỹ khuyến học của toàn huyện đã có gần 37 tỷ đồng. Điển hình như xã Nam Tiến có số dư quỹ 1,6 tỷ đồng và 8 xã trong huyện có số dư quỹ từ 600-900 triệu đồng, 2 thôn có số dư quỹ trên 150 triệu đồng và 50 dòng họ có số dư quỹ từ 30 triệu đến 120 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, nhiều học sinh nghèo, học sinh mồ côi đã được động viên kịp thời để vượt khó vươn lên trong học tập. 5 năm qua, toàn huyện đã khen thưởng và trao học bổng cho trên 65 nghìn suất với số tiền trên 10,5 tỷ đồng. Nhiều dòng họ đã dùng quỹ cho học sinh nghèo vay không lấy lãi để các em tiếp tục được đến trường. Trong phong trào xây dựng quỹ đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như ông Vũ Bá Thời, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nam Cường đã vận động trao tặng học bổng cho trên 110 học sinh mồ côi cả cha mẹ nhân dịp năm mới với số tiền gần 50 triệu đồng. Cô giáo Ngô Thị Ngọc Tâm là cựu giáo chức ở xã Nam Hồng, hiện đang sinh sống tại Hà Nội đã có 19 năm liền nhận đỡ đầu mỗi năm 3 học sinh, cấp học bổng và sách vở cho các em học sinh và đã có 3 em đỗ vào đại học, trong đó có 3 em được cô bố trí nơi ăn, ở đến khi ra trường có việc làm. Cô còn vận động các con ủng hộ tiền và sách vở, quần áo trị giá hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo. Đại đức Thích Thanh Việt, Chùa Tây Lạc (xã Đồng Sơn) 2 năm liền trao tặng học bổng và quà cho 76 học sinh mồ côi cả cha mẹ trị giá trên 30 triệu đồng và đỡ đầu 3 cháu mồ côi cả cha mẹ, hỗ trợ mỗi cháu 300 nghìn đồng/tháng. 

Để huy động được toàn dân tham gia đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã quan tâm củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia làm khuyến học, đặc biệt là lấy tổ chức khuyến học xóm, dòng họ, trường học là nòng cốt để xây dựng quỹ. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay Hội Khuyến học tỉnh đã kêu gọi được các đơn vị, các tổ chức đoàn thể tham gia xây dựng các quỹ: “Học bổng vòng tay đồng đội” của Hội Cựu chiến binh, “Học bổng Hoàng Ngân” của Hội Phụ nữ, “Học bổng châu Á - Hoa Kỳ”, “Học bổng Lá xanh”…; tổ chức trao thưởng cho hàng trăm học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Đến nay, Quỹ khuyến học toàn tỉnh có số dư trên 167 tỷ đồng, là địa phương có quỹ khuyến học nhiều nhất các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Qua đó thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com