Hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

07:07, 15/07/2020

Buổi sinh hoạt của Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Yên Cường (Ý Yên) phối hợp với các HTX nông nghiệp tổ chức vào cuối năm 2019 thu hút đông người dân tham gia. Người dân được trực tiếp nghe các chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho đất bạc màu, đất thiếu dinh dưỡng bằng phân hữu cơ để sử dụng trong canh tác, trả lại độ phì cho đất đai với công nghệ của Nhật Bản chuyển giao. Với công thức 70% phân gia súc, gia cầm và 30% là các loại phế phụ phẩm nông nghiệp trộn lẫn với phân rồi ủ và che kín bằng bạt. Ngoài cung cấp kiến thức cho người dân, TTHTCĐ đã tham mưu cho UBND xã đặt hơn 80 thùng rác bằng nhựa tổng hợp tại các dong ngõ, chợ dân sinh và các khu sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình để thu gom, phân loại phụ phẩm, phế thải của nông nghiệp như phân lợn, trâu, bò, gà; rơm rạ, thân, vỏ, lõi cây ngô, lạc, đậu đỗ, bèo tây, thân lá rau màu…, từ đó trộn lẫn chế phẩm sinh học phân hủy làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón cho cây trồng của nông dân đồng thời bổ sung lượng dưỡng chất hữu cơ cho đất. Mô hình này hiện thu hút hơn 2.500 hộ dân trong xã tham gia thực hiện. Nhờ học tập tại TTHTCĐ xã, người dân đã tiếp cận phương thức canh tác mới, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dần thay thế lối canh tác truyền thống từ việc nắm bắt kỹ thuật mới về kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, tình hình sâu bệnh, bảo đảm theo tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Đây thực sự là hướng đi bền vững, giúp người nông dân vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Hiện tại, xã Yên Cường đã có 3 loại rau được UBND tỉnh cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao là rau muống, dưa chuột và đậu bắp; 5 sản phẩm rau vụ đông gồm: Bắp cải, cải bó xôi Nhật, khoai tây, su hào và cải ngọt đã được Hội đồng tư vấn, đánh giá sản phẩm OCOP huyện Ý Yên chấm điểm đạt tiêu chuẩn, đang tích cực chuẩn bị tham gia và phấn đấu đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2020.

Từ các lớp học nghề về cây cảnh được mở hàng năm tại TTHTCĐ, anh Vũ Xuân Định ở thôn Trung, xã Điền Xá (Nam Trực) đã có thêm kiến thức trong cấy ghép cây bonsai cảnh, cho thu nhập ổn định.
Từ các lớp học nghề về cây cảnh được mở hàng năm tại TTHTCĐ, anh Vũ Xuân Định ở thôn Trung, xã Điền Xá (Nam Trực) đã có thêm kiến thức trong cấy ghép cây bonsai cảnh, cho thu nhập ổn định.

Từ nhiều năm nay, các TTHTCĐ trong tỉnh đã tập trung nâng cao kiến thức cho người dân, nhất là những lao động không có điều kiện học chính quy và những người nghèo, những người trong các nhóm yếu thế. Mô hình học tập này góp phần phổ biến các kiến thức khoa học - kỹ thuật về nuôi, trồng các loại cây, vật nuôi... đến với người dân được thuận lợi, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đồng thời, qua việc học tập đã tạo bước tiến về xây dựng đời sống văn hóa ở từng gia đình, cộng đồng; giáo dục phát triển toàn diện và bền vững trong phổ cập tiểu học và THCS… Sau thời gian triển khai thực hiện Thông tư 44 đã tạo điều kiện cho cấp xã tự đánh giá để lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng “Cộng đồng học tập” phù hợp với thực tế của địa phương; giúp UBND các cấp đánh giá thực trạng xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã và làm căn cứ đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.515 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký “Cộng đồng học tập”, chiếm 89,9% thôn, làng, tổ dân phố toàn tỉnh, trong đó 74% đơn vị được công nhận “Cộng đồng học tập”. Về cộng đồng học tập cấp xã, có 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký, trong đó có 148 xã, phường, thị trấn đã được công nhận, đạt 64,6%. Qua kiểm tra, đánh giá, 100% số trung tâm xếp loại hoạt động đạt yêu cầu, trong đó có trên 82,1% trung tâm được xếp loại khá, tốt. Các TTHTCĐ đã mở nhiều lớp đáp ứng nhu cầu thông tin, về pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dạy nghề... cho người dân. Nhờ có vai trò nòng cốt là cán bộ TTHTCĐ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các trường học trong xã, phường, thị trấn, TTHTCĐ đã cùng với các chi hội khuyến học khảo sát nhu cầu học tập của người dân, mở nhiều lớp học theo phương châm “cần gì học nấy”. Mỗi năm có hàng nghìn lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ năm 2018-2019, toàn tỉnh đã có trên 1.131 lượt người tham gia học tập tại các TTHTCĐ, trong đó có hơn một nửa số người học nghề, cập nhật kiến thức, tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, số người còn lại học tập các chuyên đề văn hóa, xã hội khác. Một số TTHTCĐ còn tổ chức được các hoạt động phong phú, thích hợp như câu lạc bộ dưỡng sinh, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, khuyến khích xây dựng “Gia đình hiếu học’’, “Dòng họ khuyến học’’, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vấn đề giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao giữa các địa phương. Các TTHTCĐ cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ trọng và tỷ lệ phổ cập giáo dục của các địa phương, nhất là các huyện ven biển.

Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ theo Thông tư số 44 đã góp phần thực hiện chủ trương “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi  công dân học tập suốt đời”; tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương, xây dựng xã, phường, thị trấn trở thành đơn vị học tập./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com