Bạch Long thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng

05:07, 17/07/2020

Những năm qua, xã Bạch Long (Giao Thủy) luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bản thân và gia đình người có công với cách mạng; tạo điều kiện giúp họ khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ông Phạm Ngọc Cầu (80 tuổi), xã Bạch Long (Giao Thủy) bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học Dioxin là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Phạm Ngọc Cầu (80 tuổi), xã Bạch Long (Giao Thủy) bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học Dioxin là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế ở địa phương.

Để thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chăm sóc người có công với cách mạng, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể thường xuyên rà soát, cập nhật chế độ chính sách mới, triển khai thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Hiện nay, toàn xã có 286 đối tượng chính sách người có công và thân nhân người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp thường xuyên, gồm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam… Hàng tháng, xã tổ chức chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền trên 500 triệu đồng đảm bảo đầy đủ, kịp thời đến tận tay đối tượng. Các chế độ ưu đãi đối với người có công như: Chế độ điều dưỡng, trang cấp thiết bị chỉnh hình cho thương binh, chế độ mai táng phí, hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên là con đối tượng chính sách đều được thực hiện theo quy định. Từ năm 2019 đến nay, xã đã xác nhận cho 3 học sinh, sinh viên là con em thương binh, bệnh binh, liệt sĩ được trợ cấp giáo dục; cắt giảm 8 trường hợp không còn trong diện được trợ cấp hàng tháng. Triển khai chi trả tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, xã lập danh sách, thẩm định, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, trong đó có 236 người có công với số tiền 354 triệu đồng, mỗi năm xã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp gần 30 triệu đồng để phát triển Quỹ đền ơn đáp nghĩa có thêm nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách. Xã đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà trường phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm mời các cựu chiến binh nói chuyện lịch sử để giáo dục truyền thống cho học sinh. Công tác tìm mộ liệt sĩ được xã chỉ đạo chăm lo. Năm 2019, xã xây dựng nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sĩ với số tiền trên 5 tỷ đồng, trong đó hơn 50% kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, xã tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức lễ cầu siêu, tri ân tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; Đoàn Thanh niên xã phối hợp với các trường tiểu học, THCS tổ chức đảm nhiệm việc chăm sóc, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ. Công tác hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực. Xã đã lập danh sách 49 trường hợp người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở và đã được các cấp, các ngành chức năng thẩm định, quyết định hỗ trợ, trong đó 15 trường hợp xây mới nhà; 34 trường hợp sửa chữa nhà. Xã phân công cán bộ LĐ-TB và XH bám sát kịp thời hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho các hộ khi xây dựng, sửa chữa nhà và tổ chức nghiệm thu, chi trả tiền cho các gia đình. Đến nay tất cả trường hợp người có công được hỗ trợ đã hoàn thành xây mới và sửa chữa nhà, góp phần cải thiện điều kiện nhà ở cho người có công. Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tú là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, anh em trong dòng họ đã cùng chung tay hỗ trợ gia đình mẹ hoàn thiện ngôi nhà kiên cố diện tích hơn 40m2. Đây là nguồn động viên, là động lực lớn để các con cháu trong gia đình mẹ an tâm, vươn lên ổn định cuộc sống.

Được sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện của Nhà nước và xã hội, phát huy truyền thống phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh còn sức khỏe đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn năng động trong phát triển kinh tế gia đình; giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong số các thương binh, bệnh binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình ở Bạch Long phải kể đến ông Phạm Ngọc Cầu (80 tuổi) là bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học Dioxin. Dù tuổi cao sức khỏe yếu nhưng ông vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Sau thời gian cống hiến trong quân ngũ năm 1977, ông xuất ngũ trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình bằng nghề muối tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh nghề muối, từ năm 1985 ông đầu tư thời gian học hỏi trồng cây cảnh tạo thế… Gần đây, thị trường muối trầm lắng, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực phát triển kinh tế sinh vật cảnh cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, vườn cây cảnh của ông Cầu có hàng trăm loại với giá trị kinh tế ước tính hàng tỷ đồng. Là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Bạch Long, ông đã mở nhiều lớp dạy trồng cây cảnh, tạo thế… trong đó gần 40% số học viên tham gia là các thương binh, bệnh binh ở xã. 

Thời gian tới, xã Bạch Long tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, phát huy truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, vận động nhân dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xã hội hoá công tác chăm sóc người có công với các hoạt động thiết thực, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com