Trực Ninh nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học

08:06, 24/06/2020

Nhiều năm qua, phong trào giáo dục huyện Trực Ninh giữ vững vị trí trong tốp đầu tỉnh với chất lượng giáo dục. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT các loại hình đào tạo bình quân đạt 94,7%, vượt 9,7%; xếp trong tốp đầu của tỉnh. Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 92,65%, tăng 38,9% so với năm 2015. Phong trào giáo dục huyện Trực Ninh 4 năm liền được Sở GD và ĐT đánh giá trong tốp 3 đơn vị dẫn đầu tỉnh, đặc biệt năm học 2018-2019 xếp thứ 1/10 huyện, thành phố với 13/13 lĩnh vực công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cô và trò Trường Mầm non Trực Thuận (Trực Ninh) trong một giờ học tô màu.
Cô và trò Trường Mầm non Trực Thuận (Trực Ninh) trong một giờ học tô màu.

Có được kết quả trên, huyện chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học. Ở bậc Mầm non, các trường thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực đối với trẻ; 100% các trường mầm non xây dựng kế hoạch “Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích”; phối hợp với trạm y tế xã, thị trấn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ; theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng; 100% trường mầm non tổ chức nuôi bán trú đạt tỷ lệ cao (nhà trẻ đạt tỷ lệ 92,85%, mẫu giáo đạt tỷ lệ 95,52%). Chương trình giáo dục mầm non được tổ chức hoạt động học linh hoạt, phù hợp với đặc điểm nhóm lớp; tổ chức hoạt động chơi, hoạt động học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao chất lượng phát triển vận động; giáo dục kỹ năng sống; tham quan, trải nghiệm; xây dựng thư viện thân thiện gắn với xây dựng “tủ sách lớp học”, hướng dẫn cha mẹ lựa chọn sách, truyện phù hợp cho trẻ tại gia đình; 100% nhà trường thực hiện Bộ công cụ đánh giá chất lượng giáo dục tại nhóm, lớp; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, huy động cộng đồng và xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật. Hiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhóm nhà trẻ chỉ còn 2,04%, thể thấp còi còn 2,97%; tỷ lệ suy dinh dưỡng đối với nhóm mẫu giáo thể nhẹ cân 3,25%, thể thấp còi 4,23%. Ở bậc Tiểu học, các trường triển khai linh hoạt mô hình trường học mới; tiếp cận dạy học theo định hướng giáo dục STEM; tiếp tục tăng cường công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng bơi và phòng tránh đuối nước; tổ chức các câu lạc bộ (CLB) trong trường học (CLB Em yêu khoa học, Viết chữ đẹp, Mỹ thuật, Toán tuổi thơ, Tiếng Anh, Võ thuật...); triển khai dạy học Tiếng Anh chương trình 4 tiết/tuần khối 3, 4, 5 ở 100% trường tiểu học, chương trình làm quen với tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 ở một số trường; tổ chức Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp huyện nhằm thúc đẩy khả năng nghe, nói tiếng Anh; tạo cơ hội để các nhà trường trao đổi kinh nghiệm trong dạy học, nâng cao chất lượng; tham dự Giải thể thao học sinh phổ thông tỉnh; giải Điền kinh học sinh phổ thông toàn quốc; Liên hoan Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tỉnh được đánh giá cao. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Ở bậc Trung học, các trường tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học từng môn học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực, dạy học gắn liền với thực tiễn, theo định hướng giáo dục STEM; tăng cường tổ chức hoạt động học ngoài không gian lớp học, hoạt động trải nghiệm; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng đa dạng các hình thức như thông qua quan sát hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, vở, dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kết quả thực hành thí nghiệm; tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống; hoạt động tư vấn, hướng nghiệp; triển khai dạy học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm ở 100% các lớp khối 6,7; 4 trường khối 8; tăng cường hợp tác quốc tế trong giảng dạy tiếng Anh; tổ chức khảo sát chất lượng đảm bảo tính khách quan; phân tích, so sánh chất lượng để có biện pháp nâng cao chất lượng; quan tâm chất lượng dạy thêm, học thêm, công tác phụ đạo học sinh; ôn tập cho học sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT, thi THPT quốc gia. Trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT đạt 94,7%, tăng 9,7%; xếp trong tốp đầu của tỉnh. Năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,95; tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 99,71%, giảm 0,09% so với năm học trước; có 28 học sinh đỗ vào lớp 10 THPT chuyên Lê Hồng Phong; tỷ lệ thí sinh thi vào lớp 10 THPT đạt điểm sàn 14 điểm trở lên cao nhất tỉnh. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được quan tâm chỉ đạo. Chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh có sự bứt phá, giữ vững trong tốp 3 huyện dẫn đầu của tỉnh. Tham dự Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, toàn đoàn xếp thứ 2/10 huyện, thành phố. Tham dự Hội thi giải Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh cấp tỉnh có 11 học sinh đạt giải, toàn đoàn xếp thứ 1/10 huyện, thành phố. Giải thể thao học sinh phổ thông tỉnh Nam Định có 12 học sinh đạt giải, toàn đoàn đạt giải Nhì. Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC 2019 huyện có 3/3 học sinh dự thi đạt giải (1 huy chương Vàng, 2 huy chương Đồng). Kỳ thi Quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh ASMO 2019 có 3/3 học sinh dự thi đạt giải (1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc).

Có được kết quả đó, huyện đã chú trọng phát triển cơ sở vật chất trường, lớp học khang trang, sạch đẹp hơn; bổ sung nhiều phòng học, phòng chức năng đáp ứng yêu cầu dạy và học. Công tác xã hội hóa, huy động nguồn kinh phí cho phát triển giáo dục đạt kết quả tích cực. Trong 5 năm, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ 105 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, huyện tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên: bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, đạo đức công vụ, nền nếp, văn hóa trường học gắn với các phong trào, các cuộc vận động lớn của ngành; tăng cường, điều động, biệt phái giáo viên trường chất lượng cao về công tác, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên các trường đại trà nhằm nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông. Công tác đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp được tiến hành thường xuyên; tạo động lực thúc đẩy cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới quản lý các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục. Triển khai chương trình hỗ trợ cha mẹ kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; các mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong giáo dục.

Để giữ vững chất lượng giáo dục, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch bồi dưỡng năng lực quản lý; năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT; tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đa dạng hóa các loại hình trường lớp; xây dựng trường học theo mô hình trường chất lượng cao, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia “xanh - sạch - đẹp - an toàn”; trường học hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com