Thực hiện hiệu quả việc dạy và học theo chương trình giảm tải

08:06, 02/06/2020

Trước việc học sinh phải nghỉ học quá dài do dịch bệnh COVID-19, Bộ GD và ĐT đã có Công văn số 1113 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Theo đó, nội dung các bậc học được cắt giảm theo nguyên tắc đảm bảo yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng để các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau; đảm bảo thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng để hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học 2019-2020. Tất cả các môn học ở các cấp học đều có hướng dẫn rất cụ thể chi tiết theo hướng mở, linh hoạt, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, đối với các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với đặc thù môn học. Đối với các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, các trường chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức phù hợp thực tiễn. Bộ cũng quy định các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung được ghi chú “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện”.  

Cô và trò Trường THCS Liêm Hải (Trực Ninh) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp.
Cô và trò Trường THCS Liêm Hải (Trực Ninh) trao đổi về bài học trước giờ lên lớp.

Ngay sau khi có Công văn của Bộ GD và ĐT hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các phòng chức năng và tổ tư vấn chuyên môn thực hiện xây dựng bộ khung chương trình, nội dung giảm tải theo hướng dẫn của Bộ, gửi các đơn vị trực thuộc và phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tham khảo, thực hiện, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học đúng thời gian quy định trước ngày 15-7. Sở GD và ĐT yêu cầu các trường rà soát nội dung dạy học các môn của học kỳ II trong kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 của nhà trường để thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học. Trong quá trình thực hiện, đối với các nội dung “không dạy”, “không thực hiện”; “không yêu cầu”, “không làm”, “không bắt buộc”, “không thực hành” thì không tổ chức dạy học. Đối với các nội dung “tự học có hướng dẫn”, “tự làm có hướng dẫn”, “tự đọc có hướng dẫn”, “hướng dẫn tự ôn tập”, “hướng dẫn thực hành ở nhà”, “hướng dẫn tự đọc và thực hành ở nhà”, yêu cầu giáo viên phải có hướng dẫn phù hợp với đặc thù bộ môn để học sinh thực hiện. Từ đó có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi phục vụ việc học tập tiếp theo. Đối với nội dung “khuyến khích học sinh tự học” (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện), căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực của học sinh, sự liên quan của kiến thức, kỹ năng trong phần được hướng dẫn “khuyến khích học sinh tự học” với chương trình tiếp theo để lựa chọn nội dung phù hợp, hướng dẫn, khuyến khích học sinh thực hiện.

Tất cả các cấp học trong tỉnh đã thực hiện giảm tải các nội dung chương trình học kỳ II, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh. Các trường tính toán thời lượng, nội dung kiến thức giảm tải, làm sao để đảm bảo thực hiện được trong khoảng thời gian còn lại của chương trình; bao gồm cả phần học từ xa (học trực tuyến, học trên truyền hình) và phần tiếp tục học khi học sinh được quay trở lại trường. Theo đó, ưu tiên thời gian tối đa để dạy các môn bắt buộc; những bài học nặng về lý thuyết được cắt bỏ hẳn, không dạy; không ít nội dung bắt buộc chuyển sang tự chọn. Ở cấp tiểu học, hướng dẫn tinh giản được xây dựng cụ thể cho từng môn từ lớp 1 đến lớp 5; tinh giản theo từng tuần dạy học của chương trình, để đảm bảo các trường thực hiện thống nhất. Các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công ở cấp tiểu học, ngoài việc lược bớt và ghép các bài theo chủ đề để giảm số tiết, nhiều nội dung được chuyển sang “học sinh tự học, tự tập, tự thực hành ở nhà” với sự hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của phụ huynh. Một số môn học khác tinh giản theo hướng chuyển nhiều bài học sang “khuyến khích học sinh tự học có hướng dẫn” và khuyến khích sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, như môn Đạo đức. Ở bậc THCS, THPT đều có hướng dẫn cặn kẽ, cụ thể, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt trong quá trình thực hiện. Ở bậc THCS, rút ngắn thời gian học từ 5-7 tuần, trong đó đã giảm tải các nội dung liên quan đến trải nghiệm, thực hành thí nghiệm...; giữ lại kiến thức cốt lõi cô đọng và không đưa vào nhiều kiến thức trong các bài thi, bài kiểm tra về sau. Tất cả các môn học đều được giảm tải nội dung không cần thiết, nội dung thực hành, giúp giáo viên và học sinh bớt áp lực thực hiện chương trình; tạo thuận lợi cho học sinh cuối cấp tập trung thời gian ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10 THPT... Em Bùi Minh Trang, học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: “Việc tinh gọn nội dung học khiến chúng em rất yên tâm, tích cực học tập chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 THPT không chuyên sắp tới. Bạn nào muốn học để nâng cao kiến thức thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thì nhà trường cũng tổ chức ôn tập nâng cao để chúng em thi đạt kết quả tốt”. Ở bậc THPT, kiến thức các môn được giảm tải khá nhiều. Các nội dung ít thi đều được giảm tải; học sinh tự học ở nhà những bài luyện đọc, đọc thêm; một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Là người trực tiếp giảng dạy môn Toán cho học sinh lớp 12, thầy giáo Phạm Văn Ninh, Hiệu phó Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) cho biết: Riêng đối với bộ môn Toán, tôi thấy chương trình giảm tải phù hợp, đảm bảo cho giáo viên và học sinh không bị áp lực và lo lắng...”.

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục trong tỉnh, việc giảm tải chương trình học là chủ trương cần thiết và phù hợp. Những nội dung được lược bỏ và tích hợp không ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành năng lực và kết quả tiếp cận kiến thức của học sinh. Các trường cũng đang thực hiện đúng theo chỉ đạo của các cấp ngành GD và ĐT là: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh của Bộ GD và ĐT yêu cầu “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học”. Các nhà trường tổ chức dạy học theo hướng ưu tiên thời gian tối đa để dạy các môn học bắt buộc theo chương trình, còn với các môn tự chọn, tùy tình hình thực tế để có hình thức dạy học phù hợp. 

Việc tinh giản nội dung học đã và đang được các trường thực hiện theo đúng nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng để các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau; thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học. Tuy nhiên, Sở GD và ĐT cũng khuyến cáo: Trong quá trình thực hiện, các nhà trường cũng cần tính toán, áp dụng phù hợp với điều kiện của nhà trường (do mức độ tổ chức học tập trong thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19 ở các trường khác nhau) để đạt được 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo thời gian hoàn thành năm học và chất lượng giáo dục. Do vậy tùy điều kiện thực tế mỗi trường lựa chọn nội dung giảm tải phù hợp, từ đó giúp học sinh ôn tập củng cố, nâng cao kiến thức./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com