Chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1

06:06, 25/06/2020

Theo tâm lý thông thường, các bậc phụ huynh đều lo lắng khi con chuyển đổi từ môi trường mầm non sang tiểu học. Khác với việc được tự do chơi theo sở thích, trẻ sẽ phải tự lập và học tập trong khuôn khổ. Do đó, phụ huynh, giáo viên mầm non phải chuẩn bị tốt tâm lý để trẻ tự tin và thích nghi với môi trường mới.

Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Quang Trung (Vụ Bản) trong một giờ học.
Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Quang Trung (Vụ Bản) trong một giờ học.

Hầu hết các phụ huynh đều có những băn khoăn, áp lực nhất định với những câu hỏi như: Làm thế nào để tốt nhất cho con, nên trang bị trước cho con những kiến thức và kỹ năng gì để con có thể vững vàng khi bước vào một môi trường quy củ, nề nếp hơn… Một trong những vấn đề luôn được mọi phụ huynh quan tâm hàng đầu còn là việc cho con đi học thêm trước chương trình. Chị Hà ở ngõ 659 đường Trường Chinh (thành phố Nam Định) sốt sắng đi tìm lớp học thêm cho con từ sau thời gian nghỉ học do dịch COVID -19. Năm nay con vào lớp 1, lại học chương trình mới khiến cả gia đình “đứng ngồi không yên” bởi từ sau tết, nghỉ học ở nhà, con hầu như chỉ tập viết bảng chữ cái dưới sự hướng dẫn của bà nội. Tuy nhiên, lo lắng chương trình mới được bắt đầu từ năm học 2020-2021 nên theo giới thiệu của bạn, chị tìm được một cô giáo chuyên dạy lớp 1 ở một trường tiểu học trên địa bàn thành phố dạy kèm cho con. Tuần 3 buổi, con được luyện chữ, số, bắt đầu học ghép vần và làm phép tính trong phạm vi 10. Còn chị Vân Hà, hiện đang là giáo viên mầm non cũng có con chuẩn bị vào lớp 1 cho biết: “Trước khi con vào lớp 1, tôi sẽ cho con học thuộc bảng chữ cái và cách đánh vần, cho con tập tô để làm quen với cách viết. Còn chữ viết thì cần để con vào lớp 1, các cô giáo tiểu học sẽ có kinh nghiệm giúp các con viết đúng, viết đẹp và chuẩn với mẫu hơn”. Theo chị Hà, việc phụ huynh cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1 lại khiến nhiều giáo viên dạy tiểu học lo lắng bởi từ năm học  2020-2021 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, phương pháp dạy học mới nên việc cho trẻ đi học thêm nếu không phù hợp về chương trình và phương pháp giảng dạy, sẽ gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh. Trong thời gian này, thay vì lo lắng cho con học trước, cha mẹ cần đồng hành, thường xuyên trao đổi khiến trẻ nhận ra rằng việc học tập là rất cần thiết và tập cho con tính tự lập trong sinh hoạt hàng ngày. Sự chuẩn bị tốt tâm lý, khơi gợi hứng thú trong học tập và giải thích cho trẻ hiểu lợi ích của việc học tập ngay từ những ngày trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập và thích nghi với môi trường mới. Đây cũng là bước đệm quan trọng giúp các cháu tự tin và học tốt, tạo đà cho những lớp học tiếp theo.

Đối với ngành GD và ĐT ngay từ đầu năm học 2019 -2020, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế bước vào lớp 1 cho trẻ gắn với chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; đưa tiêu chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi vào mục tiêu kế hoạch trong năm học. Tại các trường mầm non, chương trình học của lớp 5 tuổi được xây dựng rất khoa học. Các hoạt động được cụ thể hóa theo từng chủ điểm, chuyên đề phù hợp với năng lực, nhận thức của trẻ trong từng giai đoạn. Các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa để trẻ lớp 5 tuổi được làm quen với môi trường tiểu học. Cô giáo Trần Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định) cho biết: Việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế cho trẻ lớp 5 tuổi vào lớp 1 được lồng ghép vào chương trình học của các em trong suốt năm học. Trẻ lớp 5 tuổi được giáo dục các nhóm kỹ năng chủ yếu như: Thực hiện các quy định về học tập, sinh hoạt, thực hiện các hoạt động theo yêu cầu, chỉ dẫn của giáo viên; tự nhận thức, tự bảo vệ bản thân khi có sự cố; phối hợp theo nhóm với các bạn trong hoạt động học tập, vui chơi… Để làm quen với môi trường trường tiểu học, trẻ được học chuyên đề “Trò chuyện về trường tiểu học”. Trong chuyên đề này, cô giáo sẽ cho trẻ quan sát và đưa ra nhận xét về các đặc điểm của trường tiểu học, chỉ ra điểm khác biệt với trường mầm non; trò chuyện, đàm thoại với trẻ về đồ dùng học tập, giới thiệu chức năng, cách dùng các đồ vật… Ngoài ra, trẻ cũng được tham gia các buổi tham quan trường tiểu học, sinh hoạt ngoại khóa… để mở rộng hiểu biết, bổ sung kỹ năng ứng xử, giao tiếp.

Với sự chuẩn bị đầy đủ, phụ huynh không cần nóng vội cho con đi học thêm, học trước chương trình mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường để trẻ được giáo dục theo đúng chuyên môn, có đủ hành trang vững bước vào lớp 1./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com