Triển khai Nghị quyết số 42-NQ/CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: Đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch

07:04, 15/04/2020

Ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với nguyên tắc thực hiện căn bản là phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch… Báo Nam Định có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Đức Trọng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Nghị quyết số 42-NQ/CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, xin đồng chí cho biết những đối tượng nào sẽ được thụ hưởng?

Đồng chí Hoàng Đức Trọng: Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 42-NQ/CP về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhằm chia sẻ khó khăn cùng nhân dân cả nước, hỗ trợ

các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm; gặp khó khăn không đảm bảo mức sống tối thiểu; hỗ trợ thêm để nâng cao đời sống một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời gian dịch bệnh với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Có 7 nhóm đối tượng thụ hưởng hỗ trợ, gồm:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

Hướng dẫn thủ tục đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Hướng dẫn thủ tục đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Về cơ bản, các nhóm đối tượng được hỗ trợ đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội. Điều này có ý nghĩa, trong giai đoạn khó khăn, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm, nhằm bảo đảm đời sống cho mọi người dân.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình lao động, doanh nghiệp, nhóm người có công, nhóm người xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; dự toán số kinh phí 7 nhóm được hỗ trợ tại tỉnh ta?

Đồng chí Hoàng Đức Trọng: Với tinh thần chủ động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát, nắm nhanh tình hình lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các vấn đề an sinh xã hội.

Ước tính tại thời điểm 8-4-2020, toàn tỉnh có 1.115.000 lao động đang làm việc (có việc làm) trong đó làm công ăn lương 423.700 người (riêng: Công an, quân đội khoảng: 23 nghìn người). Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 177.958 người (trong đó có 32 nghìn viên chức; 145.958 người lao động khu vực doanh nghiệp có tham gia BHTN. Như vậy còn 222.742 người không đủ điều kiện hưởng BHTN); Lao động tự làm: 691.300 người (khu vực phi kết cấu). Số lao động dự kiến bị ảnh hưởng ước tính (50%): 457.021 người.

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên gồm: Số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh bị ảnh hưởng là trên 3.000 doanh nghiệp; số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên toàn tỉnh trên 80 nghìn người.

 Về hộ kinh doanh cá thể, theo số liệu cung cấp nhanh của Cục Thuế tỉnh: Tổng số hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm toàn tỉnh là 12.500-13.000 hộ. Trong đó có 4.875-5.070 hộ tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg (số tiền ước tính mỗi tháng mỗi hộ được chi trả 1 triệu đồng/hộ, tổng là: 4.875 triệu đồng đến 5.070 triệu đồng).

Tại thời điểm tháng 4-2020, toàn tỉnh có 46.493 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (trong đó: 32.403 người là đối tượng hưởng trực tiếp; 14.090 người là thân nhân người có công gồm: Trợ cấp tuất các diện; con đẻ của ngươi hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, chất độc hóa học hàng tháng). Dự kiến kinh phí hỗ trợ (như Nghị quyết là 500 nghìn đồng/người/tháng cho 03 tháng) khoảng 69.739.500.000 đồng (gần 70 tỷ đồng). Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, toàn tỉnh có khoảng 79.925 đối tượng bảo trợ xã hội; dự kiến kinh phí hỗ trợ như Nghị quyết khoảng 261 tỷ (500 nghìn đồng/người/tháng cho 3 tháng). Thứ bảy, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: toàn tỉnh có khoảng 9.443 hộ; 37.609 hộ cận nghèo (trung bình 4 khẩu/hộ). Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho 3 tháng khoảng 112 tỷ đồng.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những đề xuất của ngành để triển khai Nghị quyết với nguyên tắc căn bản là phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch?

Đồng chí Hoàng Đức Trọng: Để thực hiện Nghị quyết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực vào cuộc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo chính sách của Trung ương ban hành.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện thống nhất việc hỗ trợ; việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện. Tham mưu rà soát, chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, đối tượng quản lý thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng  bởi dịch COVID-19. Cụ thể, các sở, ngành hướng dẫn xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ trì rà soát, xác định đối tượng thuộc phạm vi quản lý, thực hiện chi trả cho doanh nghiệp; người lao động tại doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Việt Thắng (thực hiện)

 



 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com