Những dòng họ học tập tiêu biểu

08:04, 15/04/2020

Những năm qua, phong trào xây dựng dòng họ học tập ở tỉnh ta đã trở thành điểm sáng trong cả nước. Các dòng họ học tập đã trở thành nguồn động viên, tiếp sức cho các phong trào khuyến học ở cơ sở. Nhờ đó, con em các gia đình ở các dòng họ có tỷ lệ học sinh giỏi cao, giảm đáng kể tình trạng bỏ học. 

Các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của tỉnh được nhận học bổng Qũy châu Á năm học 2018-2019. (Ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19).  Bài và ảnh: Hồng Minh
Các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của tỉnh được nhận học bổng Qũy châu Á năm học 2018-2019. (Ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Từ xa xưa, dòng họ Phạm ở xóm 8 xã Xuân Hòa (Xuân Trường) đã có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài. Từ thời nhà Lê, dòng họ đã có 2 cụ đỗ tiến sĩ, đó là cụ Phạm Đuy Cơ đỗ tiến sĩ năm 1711, cụ Hoàng Phạm Dịch (họ Phạm làm con nuôi học Hoàng) đỗ tiến sĩ năm 1749, được vua ban sắc phong, được vinh danh tại Quốc Tử giám Hà Nội. Bước vào thời kỳ đổi mới, hưởng ứng phong trào khuyến học, khuyến tài do các cấp Hội Khuyến học phát động, khuyến học, khuyến tài ở dòng họ Phạm ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Ban đầu, dòng họ thành lập ban khuyến học với 6 thành viên và 38 hộ tham gia. Ban khuyến học thường xuyên nêu cao tinh thần đoàn kết, tâm huyết, sáng tạo trong vận động 100% các gia đình thuộc dòng họ ở quê hương khuyến khích, động con em nỗ lực vươn lên trong học tập, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Vì vậy, đến nay ban khuyến học dòng họ có 185/185 hộ đều đăng ký tham gia trở thành gia đình học tập. Với những hình thức vận động xây dựng quỹ khuyến học đa dạng từ sự tự nguyện đóng góp của các thành viên trong chi hội, quỹ đã có số dư 155 triệu đồng. Vào ngày giỗ tổ hàng năm, ban khuyến học dòng họ đều tổ chức dâng hương, báo công tiên tổ và phát thưởng, biểu dương các cháu học giỏi và vượt khó học tốt. Mỗi năm, dòng họ có từ 45 đến 50 học sinh có thành tích tốt trong học tập và 3 đến 5 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cơ sở. Những học sinh khá, giỏi trong họ luôn được ban khuyến học và các gia đình động viên, bồi dưỡng và hướng dẫn trong học tập, lựa chọn ngành nghề cho phù hợp với khả năng của bản thân, những học sinh còn chểnh mảng với việc học hành được kèm cặp, nhắc nhở để phấn đấu vươn lên. Ban khuyến học cũng thường xuyên đến từng gia đình để kiểm tra và động viên con em tích cực học tập, đồng thời có những hình thức động viên, khen thưởng kịp thời nên đã tạo được động lực và phong trào học tập sôi nổi trong khắp các gia đình. Nhiều gia đình đã đạt danh hiệu gia đình học tập như các gia đình: ông Phạm Hồng Chương có 5 người đều tốt nghiệp đại học; gia đình ông Phạm Văn Chương có 3 con tốt nghiệp đại học, thạc sĩ; gia đình anh Phạm Thành Công, 2 vợ chồng đều tốt nghiệp đại học, riêng anh Công là thạc sĩ, có 2 con đều là học sinh giỏi, trong đó có con gái đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; gia đình anh Phạm Văn Mạnh là tiến sĩ, các con đều tốt nghiệp đại học; gia đình anh Phạm Văn Hiệu có 2 con tốt nghiệp đại học và thành đạt; gia đình anh Phạm Văn Nha nhà nghèo nhưng phấn đấu nuôi 3 con tốt nghiệp đại học; gia đình anh Phạm Đức Vinh nhà nghèo nhưng các con đều học giỏi… Hiện tại, dòng họ có 3 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, trên 50 cháu đỗ đại học và nhiều cháu đỗ cao đẳng, 2 cháu là học sinh giỏi quốc gia, 14 cháu là học sinh giỏi cấp tỉnh, 19 cháu là học sinh giỏi cấp huyện. Bên cạnh việc đẩy mạnh khuyến học trong từng gia đình, mọi thành viên trong dòng họ đều gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế. Dòng họ đã có 75% gia đình có kinh tế ổn định, nhiều gia đình có thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm. Với những thành tích đã đạt được, dòng họ Phạm đã được Hội Khuyến học tỉnh và huyện tặng giấy khen, được công nhận là “Dòng họ học tập”.

Dòng họ Hoàng ở làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) là dân gốc làng Xuân Mai (ngoại thành Hà Nội) theo tướng công Ngô Miễn (đỗ Thái sinh học - tức tiến sĩ ở triều Trần, làm quan cho nhà Hồ) về vùng Xuân Bảng khai hoang lập làng (đền thờ tướng công Ngô Miễn hiện còn thờ tại làng Xuân Bảng) đến nay đã hàng chục đời. Người đầu tiên trong dòng họ đạt được học vị cao là tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, về dạy học tại Trường Thành Chung, Nam Định. Tiếp theo là 3 cụ trong dòng họ đỗ tú tài Tây, trong đó có cụ Hoàng Thọ Mục làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm đầu tiên của Nam Định. Thời tiền khởi nghĩa, khi chi bộ cộng sản đầu tiên của Xuân Trường được thành lập ở Xuân Bảng, đã có 3 đảng viên là người của dòng họ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có trên 60 người của họ Hoàng Thọ ở Xuân Bảng tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, 8 người trong số đó đã trở thành sĩ quan cao cấp (thượng tá, đại tá), 16 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hiện tại, dòng họ Hoàng Thọ có trên 300 hộ, nhưng ở quê gốc Xuân Bảng chỉ có trên 200 hộ, còn phần lớn sống ở thành phố Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ rất lâu, các bậc cao niên trong dòng họ đã luôn giáo dục cho các thế hệ sau lòng tự tôn dòng họ và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Hàng năm, trong ngày giỗ tổ, dòng họ họp mặt để ôn lại công đức của tổ tiên, giáo dục, khuyến khích mọi người làm việc tốt, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp đỡ lẫn nhau… Việc khuyến học được dòng họ đặt ra từ lâu nhằm động viên, khuyến khích, giáo dục, tạo mọi điều kiện cho mọi con em trong dòng họ có thể học hành. Riêng ngành ba dòng họ Hoàng ở làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường huyện Xuân Trường có 125 hộ gia đình nhưng từ năm 1998 đã thành lập chi hội khuyến học. Ban đầu chi hội có 15 hội viên, trong đó có 8 nhà giáo nghỉ hưu và đang công tác. Các hội viên trong chi hội thường xuyên coi trọng công tác tổ chức, củng cố bộ máy hoạt động, duy trì và giữ nền nếp hội họp của ban chấp hành chi hội để nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm động viên việc học tập của con cháu, nhất là những học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vào dịp đầu năm học, chi hội khuyến học đã tổ chức thăm và tặng quà cho các cháu con gia đình chính sách của dòng họ và các cháu con gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời luôn vận động con cháu là những người thành đạt, có điều kiện đang sinh sống, làm việc ở mọi nơi quan tâm đến phong trào khuyến học, đóng góp ủng hộ quỹ để động viên con em học hành tiến bộ. Từ sự đóng góp của con em trong dòng họ, đến nay, quỹ khuyến học của ngành ba dòng họ Hoàng Thọ đã có trên 150 triệu đồng. Với sự sát sao, chỉ bảo của các gia đình, đặc biệt là sự quan tâm của các nhà giáo, học sinh trong dòng họ ngày càng học hành tiến bộ. Qua 16 kỳ phát thưởng, đã có hàng trăm lượt học sinh có thành tích cao và học sinh có hoàn cảnh khó khăn được khen thưởng, trong đó có trên 30 lượt học sinh giỏi cấp huyện trở lên, mỗi năm có 70% số học sinh đi học đạt thành tích học tập tốt. Năm 2017, ngành ba dòng họ Hoàng đã được công nhận là dòng họ học tập, góp phần cùng với cả dòng họ Hoàng đang sinh sống và làm việc ở các địa phương tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ.

Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, việc tổ chức và hoạt động của dòng họ khuyến học ngày càng tạo thành những phong trào sâu rộng như một nét đẹp trong văn hoá giáo dục của nhân dân. Mỗi dòng họ học tập đều có cách làm riêng và thành tích nổi trội, có đóng góp quan trọng phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com