Ngăn chặn xe tự chế hoạt động trái phép

08:03, 27/03/2020

Nhiều năm nay, mặc dù pháp luật quy định cấm các loại xe tự chế 3, 4 bánh tham gia giao thông, tuy nhiên, tình trạng người dân ở nhiều địa phương sử dụng các loại phương tiện này để chở hàng hóa, lưu thông trái phép trên các tuyến đường vẫn chưa được khắc phục, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT). Việc xử lý triệt để các trường hợp vi phạm này cũng gặp không ít khó khăn.

Xe tự chế lưu thông tại xã Yên Bình (Ý Yên).
Xe tự chế lưu thông tại xã Yên Bình (Ý Yên).

Theo số liệu thống kê của Ban ATGT huyện Hải Hậu, trên địa bàn huyện hiện còn tồn tại khoảng 200 phương tiện xe tự chế với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau là xe công nông, xích lô gắn máy; xe 3, 4 bánh đun đẩy tự dựng, xe điện chở khách du lịch. Trong đó có 60 phương tiện sản xuất tại Trung Quốc, trên 100 phương tiện do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các làng nghề cơ khí truyền thống trong tỉnh sản xuất. Toàn bộ số phương tiện này đều không có đăng ký, đăng kiểm, chưa đủ điều kiện lưu thông nên chủ phương tiện thường hoạt động lén lút tranh thủ các thời gian không có lực lượng chức năng kiểm soát trên đường để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng. Theo số liệu của Ban ATGT huyện Nam Trực, hiện ở địa phương vẫn còn khoảng 500 phương tiện xe tự chế hoạt động chuyên chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng. Tại huyện Ý Yên, với đặc thù có nhiều làng nghề truyền thống như chế biến gỗ, cơ khí đúc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa ghép nên cũng có số lượng xe tự chế khá nhiều. Đơn cử như tại xã Yên Tiến, theo thống kê của UBND xã có khoảng 30 xe tự chế đang hoạt động. Trong đó có cả các loại xe 3, 4 bánh được sản xuất mới tại các cơ sở cơ khí trong tỉnh và cả loại xe kéo, xe lôi 3 bánh do người ngồi sau xe máy kéo bằng tay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng xe tự chế do UBND xã thống kê được, số lượng thực tế còn nhiều hơn do có hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề có từ 2-3 xe tự chế nhưng chỉ khai báo có 1 chiếc. Với đặc điểm là kích thước nhỏ gọn nên di chuyển thuận lợi trên các tuyến đường giao thông nông thôn, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển đa dạng của các gia đình, cơ sở sản xuất trong các làng nghề; giá đầu tư mua xe và cước vận chuyển rẻ nên mặc dù bị cấm song nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất vẫn lựa chọn loại phương tiện này. Đa số các xe tự chế đều chạy bằng máy nổ hoặc bình ắc quy, thuộc loại nhiều “không”: không có đèn pha, không đèn xi nhan và không gương chiếu hậu; không được kiểm định an toàn của cơ quan chức năng; các bộ phận khác như chân ga, phanh, vô lăng, cần số, thùng chở hàng đều được thiết kế thô sơ. Người điều khiển phương tiện đa số là lao động phổ thông ở nông thôn, không có giấy phép lái xe song lại thường xuyên chở hàng nên luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT. Trong khi các loại xe lôi, xe đẩy gắn máy được sản xuất tại các làng nghề hoặc nhập lậu trái phép còn chưa được xử lý dứt điểm thì gần đây ở nhiều địa phương xuất hiện thêm tình trạng người dân tự ý gắn thêm động cơ chủ yếu để chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng gây phức tạp cho việc xử lý và quản lý trật tự ATGT. Trong khi đó việc xử lý các trường hợp vi phạm này do liên quan trực tiếp đến sinh kế của nhiều người dân nghèo, người không có nghề, việc làm ổn định nên chính quyền địa phương nhiều nơi thiếu quyết liệt, không ít chủ xe tự chế mặc dù đã ký cam kết chuyển đổi phương tiện nhưng vẫn giữ phương tiện và lén lút hoạt động. Để đối phó với lực lượng chức năng, các chủ phương tiện thường chạy xe ngoài giờ hành chính hoặc chọn giờ giao ca của các lực lượng tuần tra, kiểm soát. Khi thấy lực lượng chức năng, chủ phương tiện thường bỏ lại phương tiện hoặc cho xe chạy vào nhà dân ven đường. Đối với xe xích lô tự chế, nhiều trường hợp chủ xe ngụy trang che phần máy móc của phương tiện tự chế, khi gặp lực lượng tuần tra thì tắt máy và đạp chân như bình thường. Do vậy việc xử lý rất khó khăn. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 141 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm chết 65 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản hơn 2,5 tỷ đồng. Tuyến đường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đó là quốc lộ có 56 vụ, đường nội thị 27 vụ, đường giao thông nông thôn 25 vụ, còn lại thuộc các tuyến tỉnh lộ, cao tốc, đường nối vào cao tốc. Phương tiện gây ra nhiều tai nạn nhất là mô tô 74 vụ, ô tô 38 vụ, tiếp theo là xe tự chế, xe đạp, xe máy điện. Nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, đi sai phần đường, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách, vượt sai quy định, sử dụng rượu bia.

Để xử lý dứt điểm tình trạng lưu thông trái phép xe tự chế, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, chú trọng tuyên truyền về tác động tiêu cực của các loại phương tiện này, đồng thời phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ và quy định của pháp luật trong việc thay thế, chuyển đổi phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông đã được áp dụng trong thời gian qua. Tiếp tục tuyên truyền, vận động những gia đình còn giữ, sử dụng xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh nâng cao nhận thức, tự động chuyển đổi phương tiện đảm bảo quy định của pháp luật về trật tự ATGT. UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát và tiến hành xử lý theo quy định đối với các phương tiện đã bị đình chỉ nhưng vẫn tham gia giao thông. Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để chấm dứt được tình trạng xe xích lô máy, xe tự chế 3, 4 bánh tham gia giao thông, chở hàng hóa cồng kềnh, ngoài sự nỗ lực của lực lượng Công an thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng trong việc phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân trong thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự ATGT. Vì thế, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành Công an, GTVT thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại các phương tiện và các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe cơ giới trên địa bàn; yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất, lắp ráp cam kết không tự chế, lắp ráp các loại xe cơ giới thuộc diện không được phép lưu thông, các trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, tịch thu phương tiện, xử lý bán phế liệu sung công quỹ; đối với các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com