Nâng cao năng lực sử dụng máy tính giúp nông dân phát triển sản xuất

08:02, 12/02/2020

Năm 2016, Nam Định được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn là một trong 9 tỉnh thực hiện dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam” do Tập đoàn Google tài trợ. 

Nông dân xã Trực Chính (Trực Ninh) áp dụng công nghệ mới vào trồng khoai tây.
Nông dân xã Trực Chính (Trực Ninh) áp dụng công nghệ mới vào trồng khoai tây.

Với thời gian triển khai trong 3 năm (từ 2017 đến 2019), mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên nông dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác Hội, phong trào nông dân nói riêng, phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung; nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng và chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đời sống của cán bộ, hội viên nông dân. Để triển khai thực hiện dự án, Tập đoàn Google đã tiến hành khảo sát tỷ lệ hội viên nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet tại các xã Trung Đông (Trực Ninh), Hiển Khánh (Vụ Bản). Hội Nông dân tỉnh lựa chọn 2 xã Trực Chính, Trung Đông (Trực Ninh) triển khai làm điểm và rút kinh nghiệm. Đến năm 2018, đã có thêm 8 xã tham gia thực hiện dự án. Kết quả từ 2016 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 21 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet” cho 525 cán bộ, hội viên nông dân tại 11 xã của hai huyện Trực Ninh, Vụ Bản; thành lập 21 câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với internet” trực tuyến, mỗi CLB có 25 thành viên. Tại các lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet; giới thiệu những gương hội viên có mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi làm ăn hiệu quả nhằm khích lệ các thành viên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ với nhiều hội viên khác; hướng dẫn cách khai thác, tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản… Ban Quản lý dự án tỉnh cũng đã thành lập 21 CLB “Nông dân với internet” ngoại tuyến với 335 thành viên; sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng với nội dung phong phú, đa dạng, tập trung vào các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thành viên các CLB còn hướng dẫn nhau cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet, khai thác thông tin về tiến bộ KHKT, công nghệ mới và các thông tin hữu ích khác trên mạng để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trong các buổi sinh hoạt CLB đều có đại diện cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở cùng tham gia, thảo luận và chia sẻ với các thành viên; hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật như máy tính, máy chiếu để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả cao. Thông qua Dự án, cán bộ, hội viên đã được tiếp cận nhanh nhất với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về “tam nông”, các thông tin về kinh tế, văn hóa, giáo dục. Một số thành viên đã biết khai thác tốt những thông tin hữu ích trên mạng internet để phát triển kinh tế gia đình như: Ông Vũ Trung Trực, CLB Trung Đông 1 (Trực Ninh) là hội viên nông dân tiêu biểu trong việc tích tụ ruộng đất sản xuất lúa lai cho Công ty Cường Tân, thực hiện thành công mô hình máy cấy lúa theo công nghệ mới, tạo việc làm cho 5-7 lao động thời vụ, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Anh Đỗ Văn Sâm, CLB Phương Định 1 (Trực Ninh), năm 2017, khi được tham gia vào CLB, bằng đam mê và khai thác kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan trên internet, anh đã ứng dụng vào trồng lan trên diện tích vườn gần 200m2 với hệ thống tưới nước phun sương tự động, mang lại giá trị kinh tế cao. Hộ các ông Trần Văn Thắng, Trần Văn Hậu, thành viên tổ hợp tác VAC, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) đã tìm hiểu kỹ thuật trên mạng internet áp dụng trồng rau sạch trong nhà lưới và giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ đạt hiệu quả. Thành viên tổ hợp tác Long Phú, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho đàn thỏ đảm bảo không mắc dịch bệnh, thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng. Một số CLB khi lựa chọn thành viên tham gia đã hướng đến những hội viên nông dân có mô hình sản xuất kinh doanh giỏi như: Anh Mai Công Chính, CLB Hợp Hưng 2 (Vụ Bản) có trang trại nuôi gà, vịt với tổng số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng trên diện tích 6.000m2, quy mô 3.000 con gà, vịt, ngan ngỗng (trong đó có 2.000 con vịt đẻ), 7 lò ấp trứng. Bằng phương pháp ấp trứng luân phiên, trung bình từ 3-4 ngày nở 1 phiên, mỗi tháng, anh cho ra lò trên 3.000 quả trứng vịt lộn, 10 nghìn vịt con, 1.800 con ngan, ngỗng các loại. Gia đình anh không chỉ cung cấp gà giống cho các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh mà còn được các thương lái ở các tỉnh khác như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam tìm đến mua… Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án tỉnh đã chọn cử 4 thành viên tiêu biểu đi học tập, nghiên cứu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc. Nhằm tạo sân chơi bổ ích giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống, đồng thời nhân rộng mô hình CLB “Nông dân với internet”, Ban quản lý dự án tỉnh còn tổ chức hội thi “Nông dân với internet”; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân”.

Qua 3 năm triển khai dự án, hội viên nông dân đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp; nhiều hội viên đã biết sử dụng máy tính và truy cập internet để tìm kiếm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản ngày càng phát triển. Mỗi thành viên CLB còn chia sẻ kinh nghiệm sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho ít nhất một hội viên nông dân khác; nhờ đó, số hội viên nông dân biết sử dụng và khai thác các thông tin hữu ích từ mạng internet tăng lên đáng kể. Kết thúc dự án, tổng số hội viên nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet tại các xã thực hiện dự án tăng lên 1.248 hội viên (đạt và vượt mục tiêu dự án đề ra). Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hoạt động của các CLB “Nông dân với internet”, kết nạp thêm các thành viên mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục mở rộng địa bàn thực hiện dự án sang các địa phương khác, giúp cán bộ, hội viên vùng không thực hiện dự án nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, góp phần ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com