Xây dựng chính quyền điện tử để tăng cường gắn kết với người dân và doanh nghiệp

04:01, 09/01/2020

Năm 2019, đánh dấu thành công của tỉnh cũng như các ngành chức năng trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp với những điểm nhấn quan trọng như: điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng khung Chính phủ điện tử để nâng cao hiệu quả đầu tư thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng thành công chữ ký số, chứng thư số trong giao dịch hành chính và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thành công này đã thể hiện rõ thông qua chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước; hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra về xếp hạng đánh giá công nghệ thông tin đứng trong top 20 trên toàn quốc.

Cán bộ HĐND thành phố Nam Định cập nhật văn bản chỉ đạo, điều hành trên Trang Thông tin điện tử của thành phố
Cán bộ HĐND thành phố Nam Định cập nhật văn bản chỉ đạo, điều hành trên Trang Thông tin điện tử của thành phố.

Xây dựng chính quyền điện tử là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; phê duyệt dự án phát triển hạ tầng khung chính phủ điện tử tỉnh giai đoạn 2016-2020; xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Nam Định... Điểm mấu chốt quan trọng thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình xây dựng chính quyền điện tử đó là UBND tỉnh xác định rõ phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo việc cung cấp thông tin và dịch vụ công tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Tập trung giải quyết tốt 4 vấn đề cốt lõi mà chính quyền điện tử hướng đến là gắn kết mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, chính quyền với doanh nghiệp và quan hệ nội bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, giữa chính quyền với cán bộ, công chức trên môi trường mạng. Theo đó, đến nay, việc thực hiện chính quyền điện tử của tỉnh đã triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hầu hết các sở, ban, ngành đã được đầu tư, trang bị máy tính, kết nối internet đảm bảo triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành tại đơn vị. Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu công việc. Tỉnh đã hoàn tất trang bị hạ tầng công nghệ thông tin đưa vào khai thác sử dụng Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định; hệ thống thư điện tử công vụ; phần mềm quản lý văn bản điều hành; hệ thống một cửa điện tử; dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng chữ ký số; hội nghị truyền hình… đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước và tra cứu thông tin về các chủ trương chính sách, các lĩnh vực kinh tế - xã hội; trình tự giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Bước đột phá trong năm 2019 là tỉnh đã triển khai thành công việc ứng dụng chữ ký số vào hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp, bàn giao, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho 415 tổ chức, 1.062 cá nhân thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Trung bình mỗi tháng có gần 4.000 văn bản sử dụng chữ ký số được xử lý trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hệ thống một cửa điện tử được tích hợp trong Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và triển khai tại 100% sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh có thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị đã giúp việc vận hành được thông suốt, giảm bớt thời gian luân chuyển hồ sơ, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn; đã công khai toàn bộ quá trình, tiến độ giải quyết của từng hồ sơ để công dân, tổ chức biết và theo dõi. Đến nay, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã có trên 776 nghìn lượt người truy cập. Trong đó có hơn 60 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được tiếp nhận và giải quyết trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; bình quân hàng tháng đã tiếp nhận và giải quyết hơn 6.000 hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn năm 2019 đạt 98,71%. Đặc biệt trong tháng 9-2019, tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nam Định, là đầu mối giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch, tránh được tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, làm thay đổi tích cực mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chị Tô Thúy Ngần, là người con quê hương Hải Hậu sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh muốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thuốc tân dược tại thành phố Nam Định cho biết: Tôi xa quê nhưng luôn quan sát sự phát triển của quê nhà. Mọi thông tin về điều kiện tự nhiên, chế độ chính sách đối với lĩnh vực đầu tư tôi đều dễ dàng tìm kiếm qua Cổng thông tin điện tử tỉnh; Trang thông tin điện tử thành phố Nam Định và Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Quá trình làm thủ tục đầu tư của tôi diễn ra nhanh chóng ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mà không phải mất công đi lại các sở, ngành như trước đây; lịch trình hẹn trả kết quả cũng rõ ràng, không phải “nín thở” ngóng như xưa nữa. Cách làm này khiến nhà đầu tư chúng tôi rất hài lòng.

Cán bộ Trung tâm giao dịch hành chính
Cán bộ Trung tâm giao dịch hành chính "một cửa" huyện Hải Hậu hướng dẫn người dân lấy số thứ tự thực hiện thủ tục hành chính.

Đó cũng là mục tiêu, động lực mà chính quyền các cấp trong tỉnh hướng đến. Bước sang năm mới Canh Tý 2020, tỉnh đặt ra nhiệm vụ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 theo đúng lộ trình của Chính phủ. Hoàn thiện hệ thống đối thoại trực tuyến, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên thiết bị di động trong tiếp nhận thủ tục hành chính qua Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính để điều chỉnh cải thiện hiệu quả công tác quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh. Song song với việc xây dựng chính quyền điện tử, UBND tỉnh cũng đang xúc tiến việc thành lập Trung tâm dữ liệu công nghệ của tỉnh phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, giúp cuộc sống sinh hoạt của công dân được dễ dàng, tiện nghi hơn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com