Cẩn trọng khi mua đồ chơi cho trẻ em

08:12, 27/12/2019

Cứ mỗi dịp cuối năm, thị trường đồ chơi cho trẻ em lại nhộn nhịp với rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã mới thu hút đông đảo phụ huynh và các em nhỏ đến tham quan, mua sắm.

Nhiều phụ huynh chọn mua đồ chơi cho trẻ tại cửa hàng đồ chơi cổng chợ Rồng (thành phố Nam Định).
Nhiều phụ huynh chọn mua đồ chơi cho trẻ tại cửa hàng đồ chơi cổng chợ Rồng (thành phố Nam Định).

Khoảng 16h hàng ngày, trên đường Trần Phú, đoạn qua khu đô thị Dệt may thành phố Nam Định lại xuất hiện những hàng đồ chơi dành cho trẻ em được bày bán tràn lan trên vỉa hè. Chỉ có 39 nghìn đồng/một sản phẩm, những chiếc ô tô mô hình loại to, nhỏ, bộ siêu nhân, các loại búp bê, đồ chơi ô tô có điều khiển, máy bay, tàu hỏa, súng đạn nhựa, thú nhựa, thú nhồi bông… với đủ loại màu sắc sặc sỡ nhìn rất bắt mắt và đánh trúng vào sở thích và phù hợp thị hiếu trẻ em ở mọi lứa tuổi. Chị Lam ở phố Nguyễn Hiền dẫn đứa con nhỏ trên 5 tuổi vòng đi vòng lại quanh mấy dãy hàng “39K” rồi quyết định chọn cho con con cá sấu bông và chiếc giỏ đồ chơi nấu ăn gồm các loại nồi, bát, thìa, rau, củ bằng nhựa đủ màu sắc, con gái chị tỏ vẻ rất thích món đồ chơi này. Khi được hỏi tại sao không mua cho con những đồ chơi an toàn, có tem hợp chuẩn tại các cửa hàng lớn, chị Lam cho rằng, trẻ hay nhanh chán nên chọn mua đồ rẻ tiền, cho chơi một thời gian bỏ đi đỡ phí, miễn là đồ chơi đó đẹp và trẻ thích là được. Đồ chơi có dán tem hợp chuẩn thì ai cũng muốn nhưng không phù hợp với túi tiền của những người dân lao động như gia đình chị. Cũng dẫn con đi chọn mua đồ chơi, anh Tú lại được đứa con trai 5 tuổi “hướng dẫn” chọn một con rô bốt điều khiển với nhiều chi tiết rắc rối như áo giáp rời và kiếm cầm tay. Nếu chỉ nhìn bên ngoài ít ai nghĩ bộ đồ chơi này được làm từ nhựa bởi bên ngoài con rô bốt được phủ một lớp sơn dầy đầy màu sắc. 

Qua quan sát có thể nhận thấy, đa số đồ chơi được bày bán ở đây đều nhập từ Trung Quốc hoặc hàng “không rõ nguồn gốc xuất xứ”, trong đó có nhiều mặt hàng “nhạy cảm” mang tính bạo lực như dao kiếm, súng đạn, xe tăng... được bày bán công khai. Thậm chí người bán hàng còn cung cấp đủ loại súng bắn đạn nhựa, bắn tên, bắn laze nếu được yêu cầu.  Theo các chủ cửa hàng, những mặt hàng này thường bán “rất chạy” do giá rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng. Chị Vân, một chủ hàng cho biết: “Hiện nay hàng đồ chơi trong nước, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ, có dán tem nhãn cũng có nhiều nhưng những đồ chơi này thường không bắt mắt, không nhiều mẫu mã chủng loại bằng hàng Trung Quốc, giá lại đắt nên rất khó bán”. 

Tại khu vực bán đồ chơi ngay cổng chợ Rồng, khách hàng có thể mua bất cứ loại đồ chơi với đủ các loại giá, từ 10 nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng. Ngoài bán lẻ, các cửa hàng ở đây đều có các bạn hàng thường xuyên từ các huyện, xã trong tỉnh đến để lấy buôn về bán. Ở các cửa hàng này phần lớn đồ chơi cũng có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không có nguồn gốc. Mẫu mã đồ chơi được “cập nhật” thường xuyên với đủ các chủng loại phong phú, đặc biệt có những loại đồ chơi là những nhân vật vừa xuất hiện trên phim hoạt hình đã kịp thời được bày bán, thu hút rất nhiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng, một bộ đồ chơi Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/10 so với các sản phẩm cùng loại đã được kiểm định nên phần lớn người mua sẽ chọn sản phẩm rẻ hơn cho con mình. Còn đồ chơi của doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng cũng khá ổn nhưng rất ít mẫu mã, không được “cập nhật” thường xuyên nên chỉ dừng lại ở vài mẫu xe đẩy, ô tô, hình thú, bộ xếp hình, búp bê... rất đơn giản nên không thu hút được các “khách hàng nhí”.

Ở nhiều nước trên thế giới, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người, nhất là dùng để sản xuất đồ chơi cho trẻ em bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa chứa hóa chất rất độc hại. Loại nhựa này khi tiếp xúc với những chất khác hoặc khi đem vào sản xuất thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa cùng các chất phụ gia công nghiệp, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài rất độc hại. Cùng với đó, đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo, đây là chất có thể gây ra ung thư, độc hại với cơ thể trẻ nhỏ. Sở dĩ, chất hóa dẻo được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc từ đồ chơi hay bị điếc tạm thời vì chơi các loại đồ chơi phát ra âm thanh quá lớn hoặc bị nhiễm độc đường hô hấp do hít phải mùi sơn, mùi nhựa từ các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ. Theo quy định, sau ngày 15-9-2012, tất cả đồ chơi trẻ em không dán tem kiểm định chất lượng (CR) sẽ bị tịch thu, nhưng trên thực tế vẫn còn hơn 90% sản phẩm lưu thông trên thị trường chưa có tem hợp quy định. Nhưng đáng tiếc hiện nay, tâm lý của đa số các bậc phụ huynh, nhất là ở vùng nông thôn và những người có thu nhập thấp vẫn chỉ chú trọng chọn sản phẩm đồ chơi rẻ, đẹp hơn là sản phẩm an toàn cho sức khỏe của con em mình.

Đồ chơi cho trẻ, ngoài việc sử dụng cho mục đích giải trí, còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Thông qua các loại đồ chơi và trò chơi góp phần giáo dục nhân cách, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em. Vì vậy các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi chọn đồ chơi cho trẻ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com