Các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp

08:11, 06/11/2019

Toàn tỉnh hiện có 322.220 hội viên nông dân, tham gia sinh hoạt ở 3.170 chi Hội. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án số 24 ngày 23-6-2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. Qua đó, nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên trong sản xuất, kinh doanh.

Thành viên tổ hội nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chăm sóc cây cảnh.
Thành viên tổ hội nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chăm sóc cây cảnh.

Triển khai thực hiện Đề án 24 về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt tới cán bộ các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện. Ban Thường vụ tỉnh Hội thống nhất chọn Hội Nông dân các huyện Giao Thủy và Ý Yên triển khai làm điểm, mỗi đơn vị chọn 1 cơ sở; đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố còn lại lựa chọn 1-2 cơ sở để làm điểm. Theo đó, Hội Nông dân huyện Giao Thủy chọn Hội Nông dân xã Bạch Long xây dựng mô hình điểm tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản. Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh căn cứ điều kiện thực tế đã tạo điều kiện để mô hình điểm xây dựng dự án vay vốn quỹ 1 tỷ đồng hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất. Từ mô hình điểm tại xã Bạch Long, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 23 tổ hội nghề nghiệp với 416 thành viên tham gia với nhiều lĩnh vực sản xuất như: nuôi trồng thủy sản, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, trồng hoa cây cảnh, khai thác thủy sản, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh chế biến gỗ…, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm và xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác. Các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp đều xây dựng quy chế hoạt động với sự thống nhất của đa số thành viên. Nội dung sinh hoạt tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về hoạt động của mô hình chi, tổ hội mới; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; hướng dẫn cách thức làm dự án, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay… Hội Nông dân các cấp chủ động hướng dẫn các chi hội, tổ hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trang bị kiến thức về sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thị trường; giới thiệu và tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng quỹ Hội và quỹ sản xuất. Qua 3 năm thực hiện Đề án đã xuất hiện những mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả như: Chi hội nuôi trồng thủy sản xã Bạch Long (Giao Thủy); mô hình sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, dân dụng ở các xã Hải Anh (Hải Hậu); xã Trung Đông, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); xã Xuân Bắc (Xuân Trường)... Việc xây dựng các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc triển khai xây dựng và hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi hội, tổ hội trong nhiều năm qua, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh.

Mặc dù các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động trong một số lĩnh vực nhưng chưa thu hút được đông đảo thành viên tham gia; mô hình sản xuất còn manh mún, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động. Việc tiếp nhận nguồn vốn vay, thông tin về thị trường còn thiếu nên sản phẩm sản xuất ra hiệu quả chưa cao. Định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch sản xuất đã có nhưng cơ chế, chính sách và việc tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn... Phần lớn các chi, tổ hội làm điểm được thành lập trên cơ sở một nhóm các hội viên nông dân có nhu cầu liên kết trong sản xuất kinh doanh và được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nên sau khi kết thúc dự án vay vốn thì chi, tổ hội đó ít hoạt động. Để tiếp tục xây dựng, nhân rộng chi, tổ hội nghề nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; khảo sát cụ thể để nắm bắt nhu cầu tham gia của hội viên; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có sự chỉ đạo đồng bộ, đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện. Tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình, tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Phối hợp xây dựng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp với việc xây dựng nông thôn mới, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống ở các địa phương; phát huy các thế mạnh tự nhiên, kinh tế - xã hội trong việc xây dựng mô hình. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hội nghề nghiệp đã thành lập; hướng dẫn các tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả thành lập các tổ hợp tác, tiến tới thành lập các hợp tác xã khi đủ điều kiện./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com