Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

08:08, 23/08/2019

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực với các giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, cả về ý thức, hành động và kết quả thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, không để phát sinh điểm nóng về mất an toàn thực phẩm.

Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non xã Hải Toàn (Hải Hậu).
Bữa ăn bán trú của các cháu Trường Mầm non xã Hải Toàn (Hải Hậu).

Toàn tỉnh hiện có 11.246 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; trong đó có 4.046 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; 2.350 cơ sở kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực ngành Công thương; 4.850 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế quản lý. Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp với đa dạng, phong phú các loại thực phẩm trong, ngoài tỉnh và thực phẩm nhập khẩu, nên công tác kiểm soát an toàn thực phẩm luôn gặp nhiều khó khăn. Để công tác  đảm bảo an toàn thực phẩm triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời theo đúng Chỉ thị 13/CT-TTg, ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng được đặc biệt chú trọng. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ là lực lượng tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, đoàn viên, hội viên thông qua hàng trăm hội nghị, các hội thi về an toàn thực phẩm giỏi cấp cơ sở… thu hút hàng chục nghìn đối tượng tham gia. Hàng năm tổ chức 3 đợt cao điểm tuyên truyền về an toàn thực phẩm: Đợt 1 vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm; đợt 2 vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5); đợt 3 vào dịp Tết Trung thu; in ấn hàng trăm băng đĩa nội dung ngắn gọn, dễ hiểu phát đến tận các xã để tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã phát 12.604 tờ gấp về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; 300 băng đĩa hình, âm thanh tuyên truyền thông điệp của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019; tổ chức 5 đợt truyền thông lưu động về đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; 48 hội nghị truyền thông trực tiếp với 2.950 người tham dự; 43 lớp tập huấn về công tác an toàn thực phẩm cho hơn 2.400 người làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề, như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; cập nhật kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm; kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị. Giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người, thức ăn đường phố. Phối hợp xử lý vi phạm các vấn đề nóng về an toàn thực phẩm như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bơm tạp chất vào tôm; định kỳ tổ chức cho các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai xây dựng các mô hình, điển hình trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực hiện an toàn thực phẩm như việc lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; mô hình an toàn thực phẩm tại các làng nghề, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể. Các mô hình phối hợp với các hội, đoàn thể như: Mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn nói “không” với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tổ chức vận động “Phụ nữ cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo toàn thực phẩm nên nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến đáng kể. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com