Qua 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

08:08, 20/08/2019

Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014. Qua 5 năm triển khai, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo ổn định, trật tự an toàn xã hội, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cán bộ Mặt trận xã Giao Tân (Giao Thủy) tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người dân.
Cán bộ Mặt trận xã Giao Tân (Giao Thủy) tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người dân.

Để triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, ngay sau khi luật có hiệu lực, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện, trong đó có nội dung phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở và lồng ghép trong các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 50 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên, trưởng ban công tác Mặt trận, thành viên nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật ở các khu dân cư. Bên cạnh đó, công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở luôn được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chú trọng triển khai. Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn xây dựng, củng cố tổ hòa giải, tổ viên tổ hòa giải theo quy định. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên mà nòng cốt là Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình làm hòa giải viên hoặc tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú. Hiện, toàn tỉnh có 3.633 tổ hòa giải ở cơ sở và 21.092 hòa giải viên. Trong thời gian qua, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm; hoạt động hòa giải từng bước được nâng cao về chất lượng, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp chỉ đạo lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải; khuyến khích những thành viên của mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia các tổ hòa giải. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn phối hợp tổ chức cho trên 200 nghìn lượt hộ gia đình ký cam kết quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, ký cam kết gia đình đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”. Nhiều phong trào, mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội được xây dựng và duy trì đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, tiêu biểu là: “Thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Thôn, xóm không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư tự quản không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”, “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Chùa tinh tiến”, “Xứ, họ đạo không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Xứ họ không có ma tuý”, “Tuyến biên phòng không có tội phạm”, “Khu dân cư không có tội phạm”, “Tuyến phố văn minh đô thị”, “Liên gia tự quản, hộ dân tự phòng”… Từ việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không” của Mặt trận, tổ chức thành viên các cấp, đến nay toàn tỉnh có 2.771/3.463 khu dân cư văn hóa; 490.109 hộ gia đình văn hóa; 1.401 khu dân cư 5 không, trong đó có 1.092 khu dân cư đạt 2 năm liên tục; 2.366 khu dân cư không có tệ nạn ma túy; 3.335 khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước lồng ghép nội dung hòa giải ở cơ sở... Kết quả đó đã góp phần quan trọng duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Tòa án, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Để góp phần tăng cường khối đoàn kết trong nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, thời gian tới Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức tổ hòa giải và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho các hòa giải viên./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com