Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

08:08, 21/08/2019

Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định có hai cơ sở đào tạo tại xã Việt Hùng và thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh. Nhà trường tổ chức đào tạo 9 nghề trình độ trung cấp; 9 nghề trình độ sơ cấp gồm: Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Điện công nghiệp, Điện tử dân dụng, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, May công nghiệp và Kế toán doanh nghiệp. Để đảm bảo điều kiện dạy và học của học sinh, năm 2018 nhà trường đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề với tổng kinh phí trên 8,14 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp" và nguồn thu của đơn vị. Năm học 2018-2019, nhà trường đã tuyển sinh 845 học sinh (đạt 93,8%); đào tạo hệ trung cấp 1.235 học sinh; hệ sơ cấp 434 học sinh. Số học sinh tốt nghiệp 699 học sinh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nhà trường xác định việc đào tạo nghề phải gắn liền với công tác giải quyết việc làm. Năm 2018, nhà trường đã tổ chức cho 298 học sinh đi thực tập sản xuất tại doanh nghiệp. Trong quá trình thực tập, học sinh được làm quen với môi trường sản xuất, nâng cao kỹ năng tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng chí Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2019-2020, nhà trường phấn đấu đạt chỉ tiêu tuyển sinh 900 chỉ tiêu; trong đó 400 chỉ tiêu hệ trung cấp, 500 chỉ tiêu hệ sơ cấp và dưới 3 tháng. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đang tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo trình độ trung cấp, đặc biệt là cập nhật số lượng, chất lượng giáo trình; bố trí khoảng 300 học sinh thực tập sản xuất tại doanh nghiệp; phấn đấu tỷ lệ học sinh học nghề có việc làm từ 85-90%.

Hướng dẫn thủ tục học nghề cho đối tượng lao động nông thôn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Hướng dẫn thủ tục học nghề cho đối tượng lao động nông thôn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua việc sáp nhập các Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; nâng cấp các Trung tâm dạy nghề thành Trường trung cấp nghề, các Trường trung cấp nghề thành các Trường cao đẳng nghề đã giúp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển đa dạng. Loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp phong phú với sự tham gia của tất cả các thành phần (công lập, tư thục và doanh nghiệp); tạo thuận lợi cho người học đăng ký tham gia học nghề, ngành nghề đào tạo đa dạng, giúp người học có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 trường Cao đẳng; 12 trường Trung cấp; 16 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chiếm 88,6% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp; số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chỉ chiếm 11,4%. Để đáp ứng yêu cầu "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh từng bước đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học. Tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm. Các trường chủ động phối hợp với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên thực tập, để vừa giảm chi phí đào tạo, học sinh tiếp cận được với công nghệ, máy móc hiện đại và sau khi ra trường các em được nhận ngay vào làm việc. Học sinh tốt nghiệp hệ Trung cấp, Cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, riêng một số ngành nghề như hàn, may..., học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2018, có 33.750 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 44%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bình quân mỗi năm khoảng 6.000 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm, hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn từ nghề đã học đạt trên 85% góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động có việc làm qua đào tạo, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức còn chậm; quy hoạch mạng lưới các cơ sở chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn thiếu về số lượng, chủng loại, lạc hậu do không được đầu tư thường xuyên, đồng bộ. Chất lượng đào tạo nghề ở tỉnh mặc dù bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhưng kiến thức và kỹ năng nghề của học sinh chưa sát với yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ tác phong làm việc, đặc biệt là năng lực làm việc theo nhóm, khả năng sáng tạo và giao tiếp xã hội còn yếu. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung phần lớn ở khu vực thành thị (chiếm tới 68%) trong đó lực lượng lao động ở khu vực nông thôn là rất lớn (82,93% tổng lực lượng lao động của tỉnh) dẫn đến sự chênh lệch khá lớn giữa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở khu vực thành thị (64,87%) với nông thôn (35,13%).

Để nâng cao hiệu quả chất lượng hệ thống giáo dục nghề, trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 1-11-2018 của UBND tỉnh về việc triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 1836/QĐ-BLĐTBXH ngày 27-11-2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước; cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin đầy đủ về định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương và khả năng giải quyết việc làm, thu nhập của từng nghề sau khóa học để tư vấn cho người lao động hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề, nâng cao kỹ năng nghề để họ chủ động đăng ký nghề cần học. Huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành chức năng trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi cơ sở dạy nghề chọn 3 đến 5 nghề có thế mạnh để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com