Gắn đào tạo nghề với việc làm và thị trường lao động (kỳ 1)

07:06, 12/06/2019

Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc dạy nghề cho lao động trong tỉnh; một số cơ sở dạy nghề có chất lượng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và không ít khó khăn, thách thức.

I: Thực trạng hoạt động của hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội… tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Trong đó, có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có ở cả 10 huyện/thành phố, tạo thuận lợi cho người học đăng ký tham gia học nghề với ngành nghề đào tạo đa dạng, giúp người học có nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động về ngành nghề.

Về kết quả đào tạo, năm 2018, số lao động tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 33.750 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 44%. Các cơ sở dạy nghề luôn đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học; tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm. Các trường dạy nghề chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên thực tập; từ đó giảm chi phí đào tạo cho nhà trường, học sinh tiếp cận được với công nghệ, máy móc hiện đại để sau khi ra trường được nhận ngay vào làm việc. Qua khảo sát, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được triển khai; bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 6.000 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm, hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn từ nghề đã học đạt trên 85% góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động có việc làm qua đào tạo, thu nhập lao động nông thôn tăng.

Tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức.
Tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức.

Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống chính sách nói chung và chính sách về giáo dục nghề nghiệp chưa thu hút được đội ngũ nhà giáo, người học tham gia dạy và học nghề; chưa khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề vào làm việc; chưa phân luồng trong giáo dục đào tạo theo hướng tăng tỷ lệ người học tham gia học nghề sau học trung học. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ người học nghề không thống nhất giữa các bộ, ngành, các địa phương. Kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp hạn chế; nhiều dự án đầu tư dở dang nên sử dụng không hiệu quả. Trang thiết bị lạc hậu, đầu tư vẫn nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo, chưa đảm bảo người học tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật so với thực tiễn, do đó chất lượng đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Có trường tuyển sinh tốt nhưng thiết bị thiếu; có trường được đầu tư nhiều thiết bị nhưng không tuyển sinh được gây lãng phí. Nhiều đơn vị vẫn phải tận dụng cơ sở vật chất từ nhiều năm trước, đã xuống cấp không được tu sửa ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Năm 2018, Trường Trung cấp Cơ điện được UBND tỉnh giao số lượng người làm việc là 75 người; số có mặt tại trường là 55 người. Nhà trường đào tạo 18 ngành nghề với quy mô 1.020 người/năm, trong đó, đào tạo trung cấp 420 người/năm; đào tạo sơ cấp 600 người/năm. Về cơ sở vật chất trang thiết bị tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, manh mún, nhiều phòng học, xưởng thực hành xuống cấp. Số giáo viên có trình độ kỹ năng nghề quốc gia còn rất thấp (chỉ 1 giáo viên có chứng chỉ bậc 2 kỹ năng nghề quốc gia). Kết quả tốt nghiệp đào tạo trình độ trung cấp bình quân hàng năm còn thấp. Trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo còn rất hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Đến nay số nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia rất thấp (trên 6%), số có kỹ năng nghề theo bậc thợ khoảng 10%; trình độ tin học, ngoại ngữ nhà giáo chưa đảm bảo theo chuẩn. Trình độ chuyên môn không phù hợp (có ngành nghề rất đông, có ngành nghề rất ít); tỷ lệ cán bộ, nhà giáo có chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp thấp, cán bộ chuyên môn hành chính, kế toán đông.

Công tác tuyển sinh của các trường giáo dục nghề nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả tuyển sinh của một số trường còn thấp so với quy mô theo thiết kế, nhất là đối với trình độ cao đẳng. Bên cạnh đó, một số ngành nghề tuyển sinh rất thấp hoặc không tuyển được người học trong những năm gần đây. Cá biệt một số trường có ngành nghề tuyển được quá ít học sinh, sinh viên/khóa nhưng vẫn phải tổ chức đào tạo, gây lãng phí và ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định từ năm 2014 đến năm 2017 tuyển sinh bình quân khoảng 510 người/năm, trong đó: trình độ trung cấp 209 người/năm; trình độ sơ cấp 301 người/năm. Riêng năm 2018, tổng tuyển sinh 264 người, đạt 40,6% kế hoạch (trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp 124 người, đạt 49,6% kế hoạch; sơ cấp 140 người, đạt 35% kế hoạch). Tỷ lệ học viên tốt nghiệp trình độ trung cấp thấp; một số ngành nghề kết quả tuyển sinh rất thấp và không tuyển được người học. Tại Trường Trung cấp Công nghiệp và Truyền thông Nam Định, một số phòng, khoa chuyên môn số cán bộ ít hoặc không có biên chế làm việc (Khoa Báo chí có 1 biên chế, Khoa May chưa có biên chế làm việc). Tỷ lệ tuyển sinh đào tạo trung cấp những năm trước thấp so với kế hoạch được giao (năm 2016, tuyển sinh 98 người đạt 32,7%); một số ngành nghề không tuyển được học viên (Điện tử máy tính, Điện tử viễn thông...), một số ngành nghề tuyển được rất ít (Báo chí). Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp với một số ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động về nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo rất hạn chế do quy mô, cơ sở vật chất trang thiết bị, nhà giáo không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp là nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Thống kê 5 năm gần đây (từ năm 2014-2018), Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ được đầu tư trên 42 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho các ngành nghề: Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Xây dựng hoàn thiện công trình thủy lợi, Quản lý khai thác công trình thủy lợi. Nhà trường đào tạo 11 ngành nghề với quy mô 1.255 người/năm, trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng 400 người/năm; trình độ trung cấp 355 người/năm, đào tạo trình độ sơ cấp 500 người/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, kết quả tuyển sinh của nhà trường thấp, bình quân đạt 34,5% kế hoạch (trình độ cao đẳng đạt 38,75%; trung cấp 33%; sơ cấp 32,8%). Một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh thấp (Kế toán doanh nghiệp); một số không tuyển được người học ở trình độ cao đẳng (Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi). Cơ sở vật chất được đầu tư xây mới khang trang, trang thiết bị đào tạo khá hiện đại nhưng khai thác không đảm bảo hiệu quả, công tác bảo dưỡng, bảo trì chưa thường xuyên.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com