Khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động - Vấn đề cần quan tâm

08:05, 07/05/2019

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng số trên 150 nghìn lao động. Thời gian qua, công tác bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, phòng tránh bệnh nghề nghiệp được các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh từng bước quan tâm, tạo điều kiện để người lao động được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách về chăm sóc sức khoẻ.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 5 năm qua, Trung tâm đã khám sức khỏe định kỳ cho 34.238 lượt người lao động, trong đó có 21.351 lượt lao động nữ, qua đó phát hiện 118 người mắc bệnh nghề nghiệp. Riêng từ năm 2018 đến nay có 15 doanh nghiệp thực hiện khám sức khoẻ cho người lao động, với tổng số 21.840 lao động, trong đó có 14.731 lao động nữ; chủ yếu là lao động trong các lĩnh vực: may xuất khẩu 12.672 lao động; giầy da, túi xách 7.657 lao động; dệt nhuộm 1.231 lao động; xăng dầu, dầu khí 227 lao động… Đây là con số khiêm tốn so với số lượng lao động trên địa bàn tỉnh, mặc dù biết rằng, bên cạnh Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì vẫn còn một số cơ sở y tế khác cũng có chức năng khám sức khỏe cho người lao động theo Thông tư 14/2013 của Bộ Y tế như Bệnh viện đa khoa tỉnh, các Trung tâm Y tế, các Bệnh viện huyện, thành phố; phòng khám tư nhân. Thực tế, công tác khám sức khoẻ cho người lao động chủ yếu được thực hiện đối với những doanh nghiệp có đông người lao động, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty May Sông Hồng, Công ty May Youngone… Các doanh nghiệp ít người, quan hệ thành viên có tính chất gia đình thường không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Nguyên nhân do doanh nghiệp trốn tránh để giảm phần chi phí trong điều kiện kinh tế khó khăn. Chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp là những nội dung được pháp luật lao động quy định. Theo Điều 7, Luật Lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề, ít nhất 1 lần/năm. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng/lần. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp, công ty, chủ sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ này. Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ phía người lao động không muốn tham gia vì sợ nếu phát hiện mắc bệnh sẽ không có việc làm. Mặc dù những năm gần đây, các cơ quan quản lý Nhà nước đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Tại một doanh nghiệp dệt nhuộm, bụi và tiếng ồn từ dây chuyền sản xuất phát ra khiến người đứng ngoài chỉ đứng một lúc đã váng đầu, khó thở trong khi công nhân phải đứng làm việc liên tục trong nhiều giờ liền, thậm chí có người không đeo khẩu trang, nút tai dù đã được trang bị đầy đủ. Chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân Nhà máy dệt Nam Định với thâm niên trên 20 năm cho biết: Cứ mỗi khi thay đổi thời tiết, chị lại lên cơn ho hen. Không riêng gì chị, nhiều công nhân lâu năm mắc bệnh hen do hít phải bụi sợi bay ra trong quá trình sản xuất. Lãng tai, điếc nghề nghiệp cũng là những bệnh mà nhiều công nhân đang làm việc trong các nhà máy trong các ngành dệt may, da giày… mắc phải. Trong quá trình sản xuất, nếu môi trường, điều kiện lao động không tốt mà người lao động phải tiếp xúc thường xuyên, lâu dài có thể dẫn đến mắc các bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng…

Để chủ động phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Đoàn kiểm tra yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất củng cố và hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tổ chức huấn luyện về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và sơ cấp cứu cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Vì lợi ích của người lao động và của chính doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần tự giác, chủ động phối hợp với cơ sở y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Đồng thời, bản thân người lao động cũng cần nâng cao kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com