Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

07:05, 31/05/2019

Toàn tỉnh có 531.759 trẻ, chiếm 26,5% dân số, trong đó, có 4.511 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 35.997 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khác. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, từng bước cải thiện sức khỏe, điều kiện học tập, vui chơi cho trẻ em. Công tác phòng ngừa, can thiệp giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị đuối nước được quan tâm. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày một cao. Kết quả triển khai thực hiện các mô hình chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương đã có tác động tích cực trong thực hiện chương trình hành động vì trẻ em, chương trình bảo vệ trẻ em.

Dạy nghề cho học sinh tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
Dạy nghề cho học sinh tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Để ngăn ngừa nhằm hạn chế trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các cơ quan chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại cộng đồng và trường học bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em; thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, các mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương. Duy trì tỷ lệ 100% trẻ em được đăng ký khai sinh đúng theo quy định của pháp luật; 96% trẻ em khuyết tật được trợ giúp, chăm sóc bằng các hình thức khác nhau được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng; không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; giảm số trẻ em phải bỏ học kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tư vấn, hỗ trợ  học nghề, tạo việc làm cho nhóm đối tượng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật, mở rộng thêm nhóm đối tượng trẻ em khác có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, đồng thời tăng cường hỗ trợ liên quan đến trợ cấp nuôi dưỡng, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ, qua đó giúp cho nhiều trẻ em có điều kiện hoà nhập cộng đồng. Các ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức trợ cấp thường xuyên cho 2.916 trẻ em và gia đình có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chăm sóc, nuôi dưỡng 74 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa và trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Có 226.179 trẻ dưới 6 tuổi, 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, được tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe... Năm 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp vận động được 2,439 tỷ đồng; đã cấp 306 suất học bổng, tặng 135 xe đạp cho 441 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó vươn lên học tốt; tặng 70 suất học bổng cho trẻ em ở 7 huyện, thành phố; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định khám sàng lọc và phẫu thuật mắt cho 20 trẻ em bị mắc các bệnh về mắt; phối hợp với Quỹ “Hiểu về trái tim” hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng quà 186 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo nhân dịp Tết Trung thu... với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là các chương trình còn thấp so với số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh. Công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mới chỉ tập trung vào một số thời điểm, chưa được thực hiện thường xuyên nên hiệu quả mang lại còn hạn chế. Việc rà soát trẻ em có hoàn cảnh cảnh đặc biệt trong tỉnh mới được thực hiện trên cơ sở theo dõi vào sổ quản lý trẻ em trong gia đình và bước đầu được cập nhật phần mềm quản lý trẻ em, cho nên kết quả chưa đạt yêu cầu. Số trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em tai nạn thương tích, đặc biệt là trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước tuy đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật Trẻ em; ngăn chặn, phòng ngừa, làm giảm thiểu các nguy cơ làm trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện tốt các chính sách, các đề án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai thực hiện các mô hình chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS dựa vào cộng đồng tại huyện Giao Thủy và Thành phố Nam Định; mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương; mô hình hỗ trợ can thiệp về giảm thiểu lao động trẻ em... Tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức các lớp nâng cao kiến thức bảo vệ trẻ em cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ em. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com