Trực Ninh nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

08:04, 09/04/2019

Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh đã phối hợp với Hội Khuyến học huyện và các xã, thị trấn xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện cho nhân dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tạo dựng cuộc sống bằng những công việc cụ thể, thiết thực.

Nhờ tích cực học tập các chuyên đề áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhiều gia đình ở xã Trực Chính đã khôi phục nghề dệt truyền thống.
Nhờ tích cực học tập các chuyên đề áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhiều gia đình ở xã Trực Chính đã khôi phục nghề dệt truyền thống.

 Hàng năm, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập gắn với các tiêu chí về văn hóa, giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Các ngành chức năng của huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng xã hội học tập. Năm học 2018-2019, UBND huyện chỉ đạo tổ chức “Tuần lễ học tập suốt đời” với chủ đề “Trong cách học phải lấy tự học làm nòng cốt” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học huyện xây dựng, triển khai thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và công nhận đơn vị cộng đồng học tập cấp xã; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cũng như tăng cường các biện pháp hỗ trợ của các trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của ngành gắn với củng cố duy trì, nâng cao kết quả xây dựng nông thôn mới. Để giúp các địa phương lựa chọn nội dung học tập phù hợp với thực tế lao động sản xuất, bằng những học liệu có chất lượng được sưu tầm và từ kiến thức giảng dạy của cán bộ, chuyên viên các phòng, ban của huyện, tỉnh, những chuyên đề về văn hóa, giáo dục, y tế, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… đã được các trung tâm học tập cộng đồng chuyển tải đến người dân theo cách dễ hiểu để áp dụng ngay sau khi học. Ở hầu hết các trung tâm học tập cộng đồng, ban giám đốc đều do lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường học, lãnh đạo Hội Khuyến học… phụ trách. Đến nay, số cán bộ quản lý ở 21 trung tâm học tập cộng đồng trong huyện là 63 người với 84 tiểu ban và 315 cộng tác viên cùng 16 giáo viên từ các trường học trong huyện được biệt phái sang giảng dạy. Đến nay, hầu hết các trung tâm học tập cộng đồng đều có nơi làm việc riêng, có tủ sách, loa đài, bàn ghế và các dụng cụ thiết yếu phục vụ việc dạy và học. Nhiều xã, thị trấn hỗ trợ cho học viên sách vở, bút mực để thu hút học viên đến lớp buổi ban đầu. Các trung tâm học tập cộng đồng thật sự là nơi tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các lớp học sau xóa mù chữ cũng được mở cho nhiều đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Ngoài ra, các trung tâm học tập cộng đồng còn trang bị cho nhân dân kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, luật giáo dục, luật đất đai, luật quân sự, luật giao thông…, xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sức khỏe cộng đồng, giáo dục giới tính, tuyên truyền về biển đảo và chủ quyền đất nước...; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế gia đình như trồng cây gì, nuôi con gì cho đạt hiệu quả cao. Trong học kỳ I, năm học 2018-2019, theo điều tra, khảo sát nhu cầu học tập, số người phải huy động học bổ túc trung học cơ sở là 432 người, chương trình phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ và ngành nghề có 8.632 lượt người đăng ký, chương trình học tập về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có 5.603 lượt người đăng ký, chương trình về văn hoá, sức khỏe có 5.405 lượt người đăng ký, chương trình học tập khác có 5.594 lượt người đăng ký. Trên cơ sở công tác điều tra khảo sát, ban giám đốc các trung tâm cộng đồng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức lớp học bổ túc trung học cơ sở, mở các lớp học chuyên đề, lớp học nghề ngắn hạn giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và củng cố, nâng cao kết quả xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai rộng khắp các lớp học chuyên đề đã tạo cơ hội cho mọi người dân trong huyện được học tập theo phương châm “cần gì học nấy”, mở rộng hiểu biết về mọi mặt của đời sống xã hội, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết thúc học kỳ I năm học 2018-2019, toàn huyện đã mở được 25 lớp với 13.252 lượt người tham gia học tập các chuyên đề. Trong đó, chương trình giáo dục pháp luật, các trung tâm đã mở 5 lớp với 2.859 lượt người; chương trình giáo dục văn hóa, sức khỏe, các trung tâm mở 4 lớp với 2.761 lượt người; chương trình học tập khác mở 5 lớp với 2.897 lượt người tham gia; chương trình giáo dục phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mở 11 lớp với 4.735 lượt người tham gia, trong đó có 3 lớp học nghề ngắn hạn với 90 học viên. Các xã, thị trấn đã huy động 432 học viên đi học bổ túc trung học cơ sở. Đến nay, 100% số xã đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và duy trì đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3, giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ 2. 100% số xã, thị trấn có trên 90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục theo học các loại hình trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp, học nghề.

Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở Trực Ninh đã góp phần giảm đáng kể việc tranh chấp, khiếu nại, giảm tỷ lệ phát triển dân số, giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng thông qua việc truyền nghề và dạy nghề ngắn hạn. Đồng thời, người dân trong huyện tích cực học tập để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản. Nhiều chuyên đề mới đã được ứng dụng và được đúc rút ra từ thực tiễn, trở thành những bài học quý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com