Phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

08:04, 17/04/2019

Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền bào chữa, quyền được bảo vệ của người được trợ giúp pháp lý, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình tố tụng, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trao đổi nội dung hồ sơ vụ án.
Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trao đổi nội dung hồ sơ vụ án.

Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Thông tư liên tịch số 10 ngày 29-6-2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Trong đó, tập trung tuyên truyền đến vùng nông thôn, ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được trợ giúp tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí. Giao Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai việc phối hợp với các thành viên Hội đồng. Hàng năm, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đúng đối tượng, thực hiện kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, cử trợ giúp viên, luật sư tham gia tố tụng đảm bảo đúng trình tự thủ tục; chú trọng việc tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can và các đương sự khác để làm rõ nội dung vụ việc, đảm bảo tính khách quan của vụ án và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Vì vậy, chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Mặt khác, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện việc công bố danh sách trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm; cung cấp 150 bảng thông tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý để niêm yết tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ sở giam giữ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã in ấn và cung cấp 11.400 đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, 45.600 biểu mẫu và 57 sổ theo dõi vụ việc để cấp phát cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ để thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện tốt việc cấp văn bản thông báo đăng ký bào chữa, đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giao các văn bản tố tụng khác như: quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án… theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định. Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và thư ký tòa án đã chú trọng giải thích cho bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được bào chữa và giới thiệu đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước khi đối tượng có yêu cầu.

Công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp Hội đồng xét xử đưa ra những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Điển hình như trong vụ án “hiếp dâm trẻ em” xảy ra ở Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Nội dung vụ án như sau: Trên đường đi ra đầm tôm, ông Trần Văn T, sinh năm 1967 ở Thị trấn Rạng Đông, thấy 4 cháu nhỏ đang chơi bên đường. Ông T nói: có cháu nào đi ra đầm tôm chơi với bác, bác cho tiền đi chơi Noel. Cháu Nguyễn Thị N, sinh năm 2010 trèo lên xe, ông T rút túi 20 nghìn đồng cho cháu N và chở cháu ra đầm tôm. Tại đây, ông T đã có hành vi giao cấu với cháu N. Cháu N về nhà đưa tiền và kể lại sự việc với mẹ. Mẹ cháu N đã làm đơn trình báo toàn bộ sự việc với Công an Thị trấn Rạng Đông, ông T cũng đã tự ra đầu thú. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành động của T phạm vào tội “hiếp dâm trẻ em”, theo khoản 4, điều 112, Bộ luật Hình sự phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị xử bị cáo T từ 14 đến 15 năm tù. Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Trịnh Bá Chinh, trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tham gia bảo vệ quyền lợi cho cháu N đã đưa ra những tình tiết nghiêm trọng của vụ việc như: Hành vi phạm tội của T là có chủ định, tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần cháu N, nên đề nghị Hội đồng xét xử tăng nặng hình phạt với bị cáo T, mặt khác bị cáo T còn phải bồi thường trách nhiệm dân sự do làm tổn thất tinh thần, sức khỏe cho người bị hại. Từ các lập luận và căn cứ pháp lý thuyết phục của trợ giúp viên pháp lý, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo T 18 năm tù và bồi thường trách nhiệm dân sự cho cháu N 17 triệu đồng. Kết thúc phiên tòa, những người tham dự đều đồng tình với phán quyết nghiêm khắc của tòa án vì đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và bù đắp lại một phần tổn thất đối với người bị hại.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã trợ giúp 70 vụ việc để bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, người được trợ giúp pháp lý thuộc trường hợp chỉ định bào chữa. Tuy nhiên, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng vẫn tồn tại một số hạn chế như: Tỷ lệ vụ việc được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng còn thấp so với số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Sự phối hợp giữa các cơ quan là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành còn chưa chặt chẽ, thường xuyên trong trao đổi thông tin, kiểm tra, phản hồi về chất lượng vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thầm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ trong thực hiện các hoạt động phối hợp. Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp giữa các ngành thành viên Hội đồng nhằm đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều có trợ giúp viên, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia nếu có yêu cầu của đối tượng; tăng cường số lượng và chất lượng vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện; chú trọng việc kiểm tra, xây dựng cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền của từng ngành thành viên và kịp thời thông tin báo cáo kết quả cho Hội đồng để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Cùng với đó tăng cường kiện toàn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com