Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên

08:03, 15/03/2019

Toàn tỉnh hiện có trên 528 nghìn đoàn viên, thanh niên, là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò là “cầu nối”, tạo việc làm, giúp thanh niên lập nghiệp, thời gian qua, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động: tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế… Qua đó, tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ có việc làm ổn định, phù hợp với khả năng của mình.

Anh Đinh Văn Thuận, xóm Nam Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu) với mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Đinh Văn Thuận, xóm Nam Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu) với mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để làm tốt công tác tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, Đoàn Thanh niên các cấp phân loại ra nhóm các đối tượng có nhu cầu khác nhau nhằm hỗ trợ, giải quyết. Theo đó, đối với thanh niên khối trường học, các cấp bộ Đoàn, Hội tổ chức các hoạt động "Tư vấn mùa thi”, định hướng nghề nghiệp, việc làm, diễn đàn thanh niên "Chọn nghề cho tương lai", “Sáng tạo trẻ”… 5 năm trở lại đây, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên khu vực sông Hồng tổ chức được trên 120 buổi tư vấn, hướng nghiệp, thu hút trên 30 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên trong các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Đối với thanh niên nông thôn, hàng năm, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề để tham mưu với các đơn vị liên quan mở lớp đào tạo nghề phù hợp. Từ năm 2018 đến nay, tổ chức Đoàn các cấp đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, các công ty, doanh nghiệp, các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh… mở 8 lớp đào tạo nghề, 20 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, 3 lớp dạy nghề tại chỗ, 22 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã cho gần 3.000 đoàn viên, thanh niên nông thôn. Đồng thời, Đoàn Thanh niên còn duy trì có hiệu quả các mô hình câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế; các hợp tác xã dịch vụ do thanh niên làm chủ, các tổ, nhóm thanh niên giúp nhau lập thân, lập nghiệp để thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kiến thức khoa học kỹ thuật… Hiện toàn tỉnh có 354 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, thu hút 3.521 thanh niên nông thôn tham gia. Trong năm 2018, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đã thành lập 17 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp. Phong trào "4 mới" (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) tiếp tục đ­ược đoàn viên, thanh niên trong tỉnh, đặc biệt là thanh niên nông thôn tích cực hưởng ứng, tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Trong 5 năm trở lại đây, có 12.159 hộ gia đình thanh niên nông thôn đăng ký đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với nhiều hoạt động thiết thực, tổ chức Đoàn đã thực sự là “bà đỡ” cho thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên sau khi được tiếp cận nghề mới và thông tin tuyển dụng từ các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm đã được tiếp nhận vào những khu công nghiệp lớn ở tỉnh và các tỉnh, thành phố khác... Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 53.455 thanh niên được tư vấn hướng nghiệp, 14.503 thanh niên được giới thiệu việc làm, 3.990 thanh niên được tổ chức Đoàn, Hội tư vấn xuất khẩu lao động và trên 900 bộ đội xuất ngũ được giải quyết việc làm. Riêng trong năm 2018, có 58 nghìn đoàn viên, thanh niên được hướng nghiệp, có 3.500 đoàn viên, thanh niên được giới thiệu việc làm.

Cùng với các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, các cấp bộ Đoàn chú trọng giúp đỡ, đồng hành với đoàn viên, thanh niên là hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay. Đến hết năm 2018, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 149 tỷ đồng cho 5.683 hộ gia đình vay vốn ở 184, tổ tiết kiệm. Mặt khác, nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) do Trung ương Đoàn triển khai cũng được phân bổ hợp lý về các cơ sở Đoàn giúp nhiều thanh niên giải quyết được “khâu khó” về vốn. Thông qua hoạt động triển khai vốn vay đã khích lệ thanh niên mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa, xây dựng các mô hình kinh doanh mới. Từ năm 2012 đến nay, tổ chức Đoàn, Hội đã tổ chức tuyên dương 95 mô hình; 725 gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi. Điển hình như mô hình sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản của các anh: Phạm Văn Phong, tổ 13, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động, mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng; mô hình trang trại VAC của anh Nguyễn Văn Anh, xã Hải Long, tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng, hàng năm trừ chi phí cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Hay như mô hình VAC của anh Nguyễn Tất Cương, xã Yên Nghĩa (Ý Yên) cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động địa phương; mô hình VAC của anh Nguyễn Đức Huân, thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên), hàng năm trừ chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng; mô hình trồng cây đinh lăng dược liệu quy mô lớn của anh Đinh Văn Thuận, xóm Nam Châu, xã Hải Đông (Hải Hậu) mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho thanh niên phát triển kinh tế; thường xuyên theo dõi và nắm bắt tình hình lao động, việc làm của thanh niên để định hướng nghề một cách sát thực. Tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những yếu tố đặc thù của các vùng, miền khác nhau từ đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp; chia nhóm thanh niên để hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm có hiệu quả, khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề; chú trọng xây dựng, biểu dương những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com