Khắc phục hạn chế, thúc đẩy tiến độ xây dựng chính quyền điện tử

07:03, 10/03/2019

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ, những năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông luôn bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử: xây dựng hạ tầng thông tin bảo đảm hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ; đáp ứng tốt sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản tới tất cả các sở, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần thực hiện hiệu quả chương trình cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử.

Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn bảo đảm an ninh thông tin cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin các sở, ban, ngành.
Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn bảo đảm an ninh thông tin cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin các sở, ban, ngành.

Năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã khai trương, đưa vào khai thác Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan Nhà nước dễ dàng hơn, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh; công khai đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Ðầu tư xây dựng các chuyên mục “Công khai ngân sách” và “Thông tin doanh nghiệp nhà nước”. Ðến nay, đã triển khai phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công với khoảng 300 dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3, 4 (chiếm khoảng 17% tổng số dịch vụ công). Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tập trung góp ý chỉnh sửa phần mềm, quy trình cung ứng dịch vụ phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị; triển khai xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết nối liên thông 3 cấp. Ðến nay, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; đã cấp trên 6.349 hộp thư điện tử (email) công vụ (trong đó khối sở, ban, ngành là 2.540 hộp thư; khối huyện, thành phố, và xã, phường, thị trấn là 3.809 hộp thư); đồng thời tập huấn đào tạo sử dụng cho cán bộ, công chức đã được cấp tài khoản. Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành quy chế trao đổi văn bản điện tử qua phần mềm quản lý văn bản, email, một cửa điện tử; mã định danh phục vụ việc trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 21-8-2018 của UBND tỉnh về triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước; tổng hợp nhu cầu sử dụng chữ ký số, chứng thư số của các đơn vị gửi Cục Cơ yếu Ðảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ cấp theo quy định; tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho các thành phần liên quan. Tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản trị phần mềm, an toàn, bảo mật cho các cán bộ chuyên trách CNTT. Hỗ trợ triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng các Trang thông tin điện tử tại các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; đã bàn giao, lắp đặt trang thiết bị CNTT cho bộ phận một cửa của 28 sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Phối hợp với các sở, huyện, thành phố tổ chức đào tạo, chuyển giao phần mềm quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công; nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và các ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã để đảm bảo yêu cầu xây dựng thành công chính quyền điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông cũng tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố; đảm bảo an toàn kỹ thuật các hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, đánh giá kết quả xây dựng chính quyền điện tử đến thời điểm hiện nay, theo đồng chí Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh là còn thấp so với mục tiêu đề ra. Ðại diện Sở Nội vụ phân tích: căn cứ vào kết quả chấm điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2018 tỉnh vừa triển khai cho thấy, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến bị người dân, doanh nghiệp chấm điểm ở mức rất thấp do chưa cung cấp nhiều dịch vụ cấp độ 3 và cấp độ 4. Bên cạnh đó, những tháng gần đây, một số ngành, địa phương như Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Nam Trực chưa khai thác, quản lý hiệu quả phần mềm liên thông và phần mềm quản lý văn bản. Tỉnh đã hình thành trục kết nối liên thông nhưng các đơn vị trong tỉnh sử dụng song song hai phần mềm quản lý văn bản của hai nhà cung cấp Viettel và VNPT nên chưa tạo sự kết nối, vì vậy cán bộ chuyên trách vẫn phải giải quyết nhiều thủ tục hành chính theo phương thức thủ công, dẫn đến chậm tiến độ. Cụ thể như tại Sở Tài nguyên và Môi trường, đến 5-3-2019, số lượng thủ tục hành chính quá hạn giải quyết còn rất lớn.

Ðể tháo gỡ vướng mắc trên, đồng chí Phạm Ðình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, phải khẩn trương kết nối liên thông giữa hai hệ thống phần mềm quản lý văn bản của hai nhà cung cấp Viettel và VNPT; đặc biệt, các ngành phải chủ động sử dụng chung phần mềm theo ngành dọc của mình, hướng tới mục tiêu kết nối liên thông với Trung ương. Tất cả các sở, ngành, địa phương phải tập trung tăng nhanh số lượng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 cho người dân sử dụng. Ðồng thời, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn phải chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, hình thức mà không quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính, tăng mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục đầu tư; thực hiện luân chuyển công việc với cán bộ, nhân viên có dư luận phản ánh không tích cực gây phiền hà, nhũng nhiễu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com