Trực Tuấn - "Điểm sáng" trong phong trào xây dựng Làng văn hoá

08:01, 25/01/2019

Xóm Quần Lương, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) có 154 hộ, 480 khẩu là đơn vị 15 năm liền được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”. Ông Mai Văn Tuyên, Trưởng xóm Quần Lương chia sẻ: Năm 2010, xóm đã xây dựng hương ước với các quy định, điều khoản cụ thể trên nhiều lĩnh vực như: văn hoá gia đình, văn hoá cộng đồng, các vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế... Từ việc thực hiện hương ước, nhân dân xóm luôn coi trọng giữ gìn, phát huy các giá trị thuần phong mỹ tục quê hương, nêu cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện tốt chính sách về dân số - kế hoạch hoá gia đình… Tỷ lệ gia đình văn hoá hằng năm ở xóm luôn đạt từ 85-95%. Nhiều năm liền, xóm không có bạo lực gia đình, không có người sinh con thứ 3, không có người mắc các tệ nạn xã hội, không còn hộ nghèo và trẻ em bỏ học, 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Các hộ dân tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nghề phụ để giảm nghèo. Các hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác thải, chỉnh trang cảnh quan ngõ xóm vào sáng thứ bảy tuần đầu tiên hằng tháng được người dân hưởng ứng tích cực… 

Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền - Chùa Nam Lạng.  Bài và ảnh: Khánh Dũng
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền - Chùa Nam Lạng. 

Đồng chí Mai Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Tuấn cho biết: Kinh nghiệm để các xóm luôn giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” trong nhiều năm là có sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể từ xã đến các xóm. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hoá. Các tiêu chí, quy ước được xây dựng sát thực với điều kiện địa phương dựa trên nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Bên cạnh đó, nhiều phong trào như: “Ba an toàn về an ninh trật tự”, “Tổ liên gia tự quản”, “Khu dân cư năm không”, “Thôn xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, “Nếp sống văn hoá trong các cơ quan, đơn vị, trường học” được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng. Năm 2018, xã Trực Tuấn có 14/15 xóm được công nhận “Làng văn hoá”, trong đó có 7 xóm giữ vững danh hiệu 5 năm trở lên; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 86,6%; 3 trường học, 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn nếp sống văn hoá. Trong xây dựng nông thôn mới, xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và huy động các nguồn lực tham gia đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó ưu tiên nguồn lực cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ đời sống dân sinh. Đến nay, 95% hệ thống giao thông trong xã được nhựa hoá, bê tông hoá, cứng hoá với trên 40km đường trục xã, đường dong, ngõ xóm, đường ra đồng. Trạm y tế xã được đầu tư xây mới năm 2017 quy mô 2 tầng, 12 phòng có tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Nhà văn hoá, sân vận động xã được xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới... Từ năm 2013, xã có cơ chế hỗ trợ mỗi xóm từ 20-100 triệu đồng xây dựng nhà văn hoá. Bằng nguồn kinh phí huy động, đóng góp của nhân dân, đến nay, 14/15 xóm có nhà văn hoá, trong đó có 3 nhà văn hoá được xây mới gồm: xóm Nam Cường, xóm Thượng Đồng 15, xóm Quần Lương; có đầy đủ công trình phụ trợ như: sân thể thao (cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mini), vườn hoa, cây xanh, nhà vệ sinh, nhà để xe, tường rào, cổng... Sau khi hoàn thiện xây dựng, hệ thống nhà văn hoá xóm đã phát huy hiệu quả hoạt động. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng ở xã phát triển mạnh. Hiện cả 15 xóm đều có đội văn nghệ hoạt động sôi nổi; mỗi đội văn nghệ có từ 5-10 thành viên, chủ yếu là hội viên của các chi hội: Cựu chiến binh, Người cao tuổi,

Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Ngoài các đội văn nghệ, các câu lạc bộ thể thao thường xuyên tổ chức luyện tập, nâng cao sức khỏe hội viên như: câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi, bóng đá thanh, thiếu niên, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền của khối cán bộ, công chức xã và nhân dân các xóm. Là vùng quê bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá truyền thống, xã có 2 di tích lịch sử - văn hóa được UBND tỉnh xếp hạng gồm: Đền - Chùa Nam Lạng, thôn Nam Lạng và Từ đường họ Ninh, xóm Bắc Mỹ. Vào ngày 11-12 âm lịch hằng năm, lễ hội Đền - Chùa Nam Lạng luôn được chính quyền và nhân dân tổ chức theo đúng quy định, đảm bảo các nghi lễ trang trọng, tiết kiệm, khôi phục các trò chơi dân gian. Những giá trị văn hoá làng quê ở xã Trực Tuấn không chỉ thể hiện qua dịp hội làng truyền thống mà còn được biểu hiện sâu sắc qua phiên chợ đầu Xuân làng Nam Lạng tổ chức vào ngày mồng 2 Tết. Hàng hóa trong phiên chợ mang đậm đặc tính “tự cấp, tự túc” của cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm tinh thần như: tranh, tò he, đồ gốm sứ… cho đến những sản phẩm nông sản: rau, cá, thịt, hoa quả, bánh khoai… Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp bày bán, nhiều hoạt động văn hoá như: tổ tôm, quay đất, đánh meo, chơi đu, leo cầu ngô, chọi gà, bắt vịt, cờ tướng… cũng thu hút đông đảo người dân tham gia.

Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” ở xã Trực Tuấn đã tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề truyền thống ở xã như: sản xuất chiếu cói, mây tre đan được duy trì; các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dưới 2%; số hộ khá, giàu chiếm 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com