Nâng cao chất lượng đồng đều các cơ sở giáo dục

08:01, 02/01/2019

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung các giải pháp đồng bộ thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 30-12-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường học.

Cô, trò Trường Trung học cơ sở Thị trấn Lâm (Ý Yên) thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.
Cô, trò Trường Trung học cơ sở Thị trấn Lâm (Ý Yên) thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.

Thành phố Nam Định là đơn vị điển hình trong thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều các cơ sở giáo dục. Trước đây, do có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các đơn vị trường học, cùng với tâm lý chọn trường, chọn lớp của phụ huynh học sinh, từ đó dẫn đến tình trạng một số nhà trường chật chội, quá tải, một số trường lại có quá ít học sinh và gặp khó khăn về công tác tuyển sinh đầu cấp. Nhiều trường cơ sở vật chất còn khó khăn; còn phòng học mái ngói, thiếu phòng học, sĩ số học sinh/lớp cao so với quy định. Việc tăng cường cán bộ quản lý, giáo viên giữa các trường chất lượng cao đến các trường còn gặp khó khăn do các trường muốn ổn định đội ngũ, giáo viên ngại thay đổi môi trường công tác… Thực hiện Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông, Thành phố Nam Định đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nội dung Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều. Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội giảng, khuyến khích giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Trong năm học vừa qua, cấp tiểu học có 31 cán bộ quản lý, giáo viên, cấp trung học cơ sở có 13 cán bộ quản lý, giáo viên được học tập nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn, nghiệp vụ; 10 giáo viên được biệt phái về các trường khó khăn. Thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và các nguồn kinh phí hợp pháp để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Nhiều trường khó khăn được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Hệ thống trường học của thành phố được cải thiện đáng kể, nhiều trường trước kia còn phòng học cấp 4 nay đã được xây dựng kiên cố, khang trang, góp phần quan trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục được nâng lên tương đối đồng đều, trong đó các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 99,4% đến 100%. Các trường tiểu học đều có học sinh giỏi đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và 19/22 trường có học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ở bậc trung học cơ sở có từ 97% đến 100% học sinh được lên lớp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có 21/22 trường đạt 100%. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 13/18 trường có học sinh đoạt giải.

Với sự quan tâm của các cấp và ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông, đến nay, hệ thống và quy mô trường, lớp học của tỉnh đã không ngừng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tỉnh ta là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thực hiện phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng giáo dục ổn định, giữ vững và nâng cao. Đối với giáo dục tiểu học, ngành đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, chủng loại và chất lượng. Tập trung các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học; trong đó phấn đấu có đủ phòng học, phòng bộ môn… đảm bảo thực hiện dạy - học 2 buổi/ngày, dạy - học môn ngoại ngữ. Đối với giáo dục trung học, việc củng cố mạng lưới trường, lớp theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao đã được thực hiện tốt. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các trường công lập ở những vùng còn khó khăn và các trường trung học phổ thông ngoài công lập. Tiếp tục củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện có và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống các trường chuyên nghiệp trong tỉnh được củng cố và hoàn thiện, đồng thời tập trung chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Hằng năm, các trường tiểu học và các phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với các cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp với các ngành, đoàn thể làm tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Trong mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường trung học phổ thông tăng cường kiểm tra, phân loại học sinh, từ đó có kế hoạch và giải pháp nâng cao chất lượng học sinh yếu, kém. Trong các giờ dạy, giáo viên đã thiết kế bài giảng, hoạt động phù hợp với học sinh có năng lực tiếp thu khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến những học sinh có học lực yếu, kém. Vì vậy, những năm gần đây tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém đã giảm đáng kể. Năm học 2017-2018, ở khối trung học phổ thông chỉ còn 1,72% học sinh có học lực yếu, 0,02% học sinh có học lực kém. Ở khối trung học cơ sở chỉ còn 3,32% học sinh có học lực yếu và 0,15% học sinh có học lực kém. Ở khối tiểu học có 0,75% học sinh chưa hoàn thành ở môn Tiếng Việt và 0,86% chưa hoàn thành ở môn Toán. Bên cạnh việc quan tâm, bồi dưỡng học sinh có học lực khá, giỏi và phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém, các nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác điều tra, tìm hiểu những học sinh bỏ học và học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch vận động, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội đến trường. Các đơn vị phối hợp với các Hội Khuyến học, kêu gọi sự tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp để tạo nguồn kinh phí nhằm miễn giảm học phí, trao tặng học bổng cho học sinh để các em yên tâm tiếp tục theo học. Hiện tại, phần lớn học sinh các cấp học đều được học trong các phòng học kiên cố, cùng với thiết bị dạy học được Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngân sách của tỉnh trang bị đồng bộ cho tất cả các trường theo chương trình đổi mới giáo dục đã đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các nhà trường. Ở các huyện, thành phố đều có trường đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ tương đối đồng đều, trong đó ở bậc học mầm non có 196 trường đạt chuẩn quốc gia (185 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 11 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), bậc tiểu học có 285 trường đạt chuẩn quốc gia (107 trường đạt chuẩn mức độ 1, 178 trường đạt chuẩn mức độ 2), bậc trung học cơ sở có 203 trường và bậc trung học phổ thông có 34 trường đạt chuẩn quốc gia. Học sinh ở các cấp học được các nhà trường giáo dục bảo đảm theo nội dung chương trình quy định, nắm được các kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình cấp học. Chất lượng giáo dục đại trà ở các bậc học trong tỉnh đạt tỷ lệ cao. 

Với những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đồng đều trong các cơ sở giáo dục, cùng sự quyết tâm của các cấp, các ngành và ngành Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới, giáo dục và đào tạo tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển toàn diện và vững chắc./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com