Khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học

07:01, 23/01/2019

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đã có các văn bản quy định nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở bậc tiểu học vẫn diễn ra tràn lan.

Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) đọc sách trong thư viện trường học.
Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) đọc sách trong thư viện trường học.

Theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, các quy định về dạy thêm, học thêm được áp dụng như: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trừ các trường hợp: nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh có học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Khi dạy thêm, học thêm trong nhà trường, học sinh phải tự viết đơn; cha mẹ học sinh (hoặc người giám hộ) có con em xin học thêm phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện nội dung đã cam kết. Nhà trường chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh (không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khoá). Giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký, trong đó phải có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ của người giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên được dạy thêm, phân công giáo viên, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với trình độ học sinh. Khi dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn địa điểm dạy thêm, học thêm; thực hiện đúng các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm. Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm do cấp có thẩm quyền cấp… Thông tư đã được dư luận quan tâm và được trao đổi nhiều lần tại các cuộc hội thảo, các hội nghị tổng kết năm học của ngành Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh, gây ra nhiều bất cập. Anh Tiến Đức, phụ huynh có 2 con đang học tiểu học tại Thành phố Nam Định bức xúc nói: “Tưởng rằng việc có cho con đi học thêm hay không là quyền của phụ huynh nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi từng cương quyết không cho con đi học thêm và hậu quả là con bé nhà tôi liên tục phải ngồi bàn cuối. Thỉnh thoảng cháu lại than vì các bạn làm nhiều bài tập mà con chưa được học. Hiện tượng này chỉ kết thúc khi tôi đồng ý cho con đến lớp học thêm”. Xung quanh quy định này có rất nhiều ý kiến trái chiều và thực tế thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra “bình thường”. Tại đường Nguyễn Đức Thuận (Thành phố Nam Định) nhóm học thêm khoảng 20 học sinh tiểu học tại nhà của cô giáo H diễn ra từ khi học sinh được nghỉ hè vẫn miệt mài học bài dưới sự hướng dẫn của cô. Nhiều phụ huynh tỏ ra phấn khởi khi tan lớp, các con ríu rít khoe hôm nay được điểm cao, được cô giáo khen làm bài đúng. Trên thực tế, nhiều phụ huynh đề nghị cô giáo đang dạy con mình ở trường dạy thêm cho con, bởi họ tin rằng, giáo viên đó đã có quá trình gắn bó với học sinh thì sẽ hiểu hơn và dạy đúng những gì các con đang thiếu, đồng thời để các con không quên kiến thức đã được học khi mải nghỉ hè. Việc dạy thêm chủ yếu là do thỏa thuận của phụ huynh và học sinh với cô giáo và mong muốn cho con học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh. Ở không ít lớp học, giáo viên không tổ chức dạy thêm nhưng chính phụ huynh yêu cầu gửi con cho cô kèm cặp. Lý do cho con học thêm của phụ huynh thường là chương trình học quá tải, con mới vào lớp 1 hay con đang học lớp 4, lớp 5 chuẩn bị chuyển cấp… nên nhờ cô dạy thêm cho con khi gia đình không có thời gian kèm cặp con hoặc không thể chỉ dẫn cho con. Theo nội dung của Thông tư quy định không dạy thêm với học sinh tiểu học, trong khoản “cấm” trừ ra những trường hợp giáo viên nhận quản lý học sinh ngoài giờ theo yêu cầu của phụ huynh, phụ đạo cho học sinh yếu kém. Nhiều giáo viên cho rằng, ngoài số ít giáo viên “bắt ép” học sinh học thêm thì số đông giáo viên dạy thêm đều bảo đảm được hai yêu cầu trên. Còn những giáo viên dạy thêm theo hình thức “bắt ép” học sinh có thể “bám” vào quy định này để đối phó khi yêu cầu phụ huynh làm đơn “tự nguyện” nhờ giáo viên quản lý học sinh ngoài giờ. Như vậy, quy định cấm dạy thêm vẫn tạo “kẽ hở” để giáo viên và học sinh dạy thêm, học thêm bình thường. Và như thế sẽ là bất công cho những giáo viên không dạy thêm hoặc chỉ dạy thêm khi phụ huynh thực sự tự nguyện. Trong khi nền giáo dục còn nặng chuyện điểm số, thi cử, chương trình học nặng nề, phụ huynh luôn có tâm lý lo ngại, nếu không cho con đi học thêm thì khó có thể nắm chắc cơ hội vào trường chất lượng cao, vào trường trung học phổ thông công lập, đại học. Vì vậy, để con học giỏi ngay từ cấp học đầu tiên, phụ huynh vô tình đã tạo áp lực cho trẻ và tạo điều kiện để giáo viên tìm mọi cách dạy thêm. Thực tế, tại Thành phố Nam Định, nhiều giáo viên dạy các môn chính như Tiếng Việt, Toán cấp tiểu học có thu nhập từ việc dạy thêm gấp nhiều lần các cấp học lớn hơn.

Ngày 14-9-2018, UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định về những trường hợp không được dạy thêm: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày (kể cả dạy thêm trong trường và dạy thêm ngoài trường); học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống; học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, qua khảo sát ở địa bàn Thành phố Nam Định, rất nhiều cơ sở dạy thêm tại nhà cô giáo, tại địa điểm thuê vẫn diễn ra, nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Điều dễ nhận thấy tại các lớp học này là việc thực hiện theo những quy chuẩn cần thiết như diện tích lớp học, bàn ghế, bảng chống lóa... chưa bảo đảm theo quy định, số lượng học sinh quá đông so với diện tích phòng học, thu học phí cao hơn quy định, dạy trước chương trình, không phân loại học sinh khi chia lớp dạy… Ở góc độ tích cực, việc bồi dưỡng “lỗ hổng” kiến thức đối với những học sinh yếu kém, nâng cao, mở rộng kiến thức đã học ở trên lớp… đối với những em khá, giỏi là nhu cầu chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hầu hết phụ huynh cho rằng việc đi học thêm ở các lớp tiểu học đều do cô giáo chủ động tổ chức, phụ huynh e ngại nếu không cho con đi học sợ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng học trên lớp. Ở lứa tuổi tiểu học, các con đã học bán trú tại trường cả ngày nên rất cần thời gian nghỉ ngơi, thư giãn; việc cho con đi học thêm vào buổi tối hay vào ngày nghỉ là việc “bất đắc dĩ” của nhiều bậc phụ huynh.

Thực chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu xuất phát từ nhu cầu nâng cao kết quả học tập. Bởi, dạy thêm, học thêm giúp củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh; phụ đạo học sinh có học lực yếu kém; bồi dưỡng học sinh khá giỏi... Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, có dấu hiệu tiêu cực, rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ từ mỗi phường, xã, thành phố, các huyện để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của mỗi giáo viên; nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com