Giao Thủy huy động các nguồn lực, xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao

02:01, 22/01/2019

Nguyễn Thành Mạnh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy

Với 32km bờ biển, 12 nghìn ha diện tích đất mặt nước ven biển, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy nỗ lực, đoàn kết, đẩy mạnh khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó tập trung phát triển kinh tế biển đồng bộ, bền vững; huy động các nguồn lực xây dựng huyện nông thôn mới bền vững và nâng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng huyện Giao Thủy đạt Huyện Nông thôn mới năm 2017.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng huyện Giao Thủy đạt Huyện Nông thôn mới năm 2017. Ảnh: Việt Thắng

Nâng cao giá trị nguồn lợi thuỷ sản, bứt phá từ kinh tế biển

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, nhất là Kết luận số 02 ngày 10-10-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXV về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đến năm 2020: “Tiếp tục xác định kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng của huyện. Phát triển kinh tế biển đồng bộ, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đã biến những vùng biển, vùng đất nhiễm mặn, đất cát hoang hóa, bạc màu thành những vùng nuôi ngao, những ao tôm, ao cá có giá trị thương phẩm cao. Năm 2018, sản lượng thủy hải sản ước đạt 50.770 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 6,8% so với năm 2017. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nuôi trồng thủy hải sản ước đạt 430 triệu đồng. Khai thác thủy hải sản tăng về số tàu, sản lượng khai thác; nuôi trồng thủy sản tăng về diện tích, năng suất, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giá thành sản phẩm tương đối ổn định. Tăng cường công tác quản lý, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định.

Cùng với khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, Giao Thủy tập trung chú trọng khai thác, phát triển du lịch biển có lợi thế với Vườn quốc gia Xuân Thủy - địa danh đầu tiên tham gia Công ước Ramsar của Việt Nam và Đông Nam Á cùng hệ sinh thái đất ngập nước hết sức phong phú, đa dạng, nhiều loài chim di cư quý hiếm có tên trong sách đỏ quốc tế; có bãi biển Quất Lâm là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu khoa học và phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Năm 2018, doanh thu du lịch toàn huyện ước đạt 135 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 101% so với kế hoạch; tổng lượt khách tham quan đạt 400 nghìn lượt khách, tăng 10% so với năm 2017, đạt 105% so với kế hoạch. Đến năm 2020, Giao Thủy tập trung các giải pháp tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển với các mục tiêu cụ thể là: Về thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản: 5.145ha. Sản xuất thủy sản ven biển chiếm 86,4% giá trị sản xuất kinh tế biển, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,6%/năm, sản lượng nuôi trồng và khai thác: 52.700 tấn trở lên, giá trị sản xuất từ 1.400 đến 1.500 tỷ đồng/năm. Giá trị tăng thêm của ngành du lịch bình quân tăng 15-20%/năm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng Giao Thủy trở thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ của tỉnh. Khai thác, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm sau đánh bắt; phát huy nguồn lực tại chỗ và thu hút các thành phần kinh tế có năng lực về vốn đầu tư khai thác, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao

Một góc Thị trấn Ngô Đồng. Ảnh trang này của Việt Thắng
Một góc Thị trấn Ngô Đồng.
Ảnh: Việt Thắng

Với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân xây dựng nông thôn mới, ngày 16-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Giao Thủy đạt huyện nông thôn mới.

Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết năm 2018 đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 11,5%; thu ngân sách trên địa bàn (trừ thu tiền sử dụng đất) ước thực hiện tăng 11,9%; giá trị xuất khẩu (chủ yếu là hàng dệt may) tăng 29,97% so với 2017. Năm 2019 và những năm tiếp theo, Giao Thủy tập trung đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra; nâng cao chất lượng các tiêu chí của huyện và xã, thị trấn đã đạt nông thôn mới. Thực hiện tốt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đạo đức công vụ. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm. Tỷ trọng giá trị cơ cấu các ngành: Nông, lâm, thủy sản: 36,45%; Công nghiệp, xây dựng: 20,35%: Dịch vụ - Du lịch: 43,20%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 125 triệu đồng. Sản lượng lương thực có hạt: 94 nghìn tấn. Sản lượng thuỷ hải sản 55.300 tấn. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15%. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 12%. Thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán tỉnh giao 11,05%. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, bền vững. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện Đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2018-2020. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ xa khu dân cư. Đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện về thủy hải sản: tập trung phát triển nuôi trồng thủy hải sản hàng hóa có sản lượng, chất lượng và giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường; chú trọng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh dịch vụ và quản lý tại khu du lịch biển Quất Lâm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020”. Thực hiện tốt Pháp lệnh Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực, hiệu quả trong việc giám sát và phản biện xã hội và Quy định về việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com