Dư âm chợ Tết

03:01, 22/01/2019

LTS: Phiên chợ Tết xưa, nay luôn mang những sắc màu, âm thanh tươi tắn, nhộn nhịp, phản ánh cô đọng những nét văn hóa bản sắc của địa phương. Ẩn sâu sau những phiên chợ Tết là tình thân thiện và niềm hy vọng về một năm mới tốt lành. Từ những phiên chợ này, nhiều giá trị văn hóa, tình cảm quê hương đã bám rễ trong tâm hồn mỗi con người để từ đó hướng về cội nguồn.

Chợ hoa Xuân huyện Giao Thuỷ (ảnh trên); Chợ Tết quê (ảnh dưới). Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Chợ hoa Xuân huyện Giao Thuỷ.
Ảnh:
Chu Thế Vĩnh

Trong ký ức về Tết, hình ảnh phiên chợ Tết luôn là hoài niệm khó quên trong ký ức mỗi người. Chính vì vậy, trong nhịp sống vội vã hôm nay, nhiều người vẫn da diết nhớ hình ảnh phiên chợ Tết xưa qua phác hoạ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ trong bài “Chợ Tết”. Nhìn vào “Chợ Tết”, ta có thể hình dung được “hồn vía” của thời đã qua: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết…”/ “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/ Một thầy khoá gò lưng bên cánh phản/ Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân…”.

Với những câu thơ tả chân tài hoa của Đoàn Văn Cừ, chợ Tết như một bức tranh hiện lên, cảnh và người, người và cảnh hoà quyện tạo nên một bức vẽ liên hoàn rực rỡ sắc màu. Ở quê tôi xưa kia, để chuẩn bị cho mấy ngày Tết, người nội trợ phải tích cóp, dành dụm cả năm để đi phiên chợ Tết diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm. Với lũ trẻ chúng tôi, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được nghỉ học, theo chân bố mẹ đi chợ để mua hoa, mua quất về trưng Tết. Buổi sáng hôm đó, lũ trẻ dậy sớm theo người lớn đi bộ hàng cây số tới chợ, mệt nhưng vui, quên cả quãng đường xa. Với những người con quê tôi xa xứ về quê ăn Tết cùng gia đình thì đi chợ Tết và thăm thú chợ luôn gợi nhớ những kỷ niệm khó quên. Với họ, cái không khí náo nức, ấm áp của chợ Tết như làm tan mùa đông giá lạnh mà người con xa quê nào cũng mong nhớ mỗi khi Tết đến, Xuân về. Ở chợ Tết, tất cả đều đủ đầy màu sắc và hương vị, từ những mớ rau, dưa đến từng quả cà chua, quả cà, quả bí… Khu vực nào cũng tấp nập kẻ mua người bán. Rồi khu vực bán hoa, cây cảnh cũng rực rỡ sắc màu của những cây đào bích, đào phai, cúc vàng, hoa hồng, hoa mai, thược dược… đủ màu sắc. Ở những vùng quê nghèo, chợ Tết đơn sơ và giản tiện hơn với những mặt hàng nông phẩm, thủ công “tự sản tự tiêu” của những người nông dân chất phác. Họ quẩy hàng đi chợ Tết có khi chỉ để bán mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng, mấy mớ trầu không và buồng cau hái ở vườn nhà; có khi lại là mấy chiếc rổ, cái rá tự đan bằng tre nứa. Người chăn nuôi được thì mang cặp gà trống thiến, vài con gà mái hoa bán để lấy tiền chi tiêu… Những hình ảnh đó đã tạo nên được tinh thần, không khí của Tết Nguyên đán cổ truyền. Đêm 30 Tết, trong cái khoảnh khắc giao thời của năm cũ và năm mới, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa, lan tỏa những hơi ấm, những khoảnh khắc đoàn viên, hạnh phúc... Tất tả bận rộn giữa những lo toan, vất vả nhưng chợ Tết xưa vẫn không kém phần huyên náo, xôm tụ với một sắc thái rất riêng.

Chợ hoa Xuân huyện Giao Thuỷ (ảnh trên); Chợ Tết quê (ảnh dưới). Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Chợ Tết quê. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Chợ Tết ở nông thôn cũng như thành thị ngày nay đã có nhiều thay đổi. Hàng hoá phong phú, việc mua sắm thuận tiện hơn. Nhắc đến chợ Tết, không thể không nói đến chợ hoa Xuân. Vào những ngày cuối năm, khắp mọi nẻo đường, bằng đủ thứ phương tiện, gồng gánh, xe cộ hối hả đưa hương vị, sắc màu của hoa đến từng gia đình. Rồi những tụ điểm chợ hoa với đủ sắc màu của những ngày áp Tết làm rạo rực lòng người. Chợ hoa Xuân Thành Nam đặt tại Quảng trường Hoà Bình, ngay giữa trung tâm Thành phố Nam Định với một không gian rộng lớn. Chợ mỗi năm chỉ họp một lần bắt đầu từ trước ngày 23 tháng Chạp đến ngày cuối cùng của năm cũ (30 Tết). Trong cái giá lạnh của tiết trời đông những ngày giáp Tết, những gánh hàng hoa, những xe chở hoa đủ mọi ngả đường từ Nam Mỹ, Nam Phong, Điền Xá, Mỹ Tân… rẽ về Chợ hoa Xuân Thành Nam rực rỡ những sắc đỏ của đào, sắc vàng của mai, của những bông thược dược cánh to và dày đủ màu sắc; những bông cúc đại đóa vàng rực cả một góc phố. Để rồi hoa lại theo chân người mua về những căn hộ, bừng lên rực rỡ trong những ngày đầu xuân mới, xua tan đi bao mệt nhọc của cả một năm dài lo toan. Chợ Tết ở Chợ Chùa, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) quê tôi nay vẫn giữ được nhiều hương vị Tết. Xưa cũng như nay, khi không khí Tết xen vào từng nếp nhà thì cha bắt đầu chuẩn bị những mẻ hành để muối, lạt tre để gói bánh chưng. Lúc đó phiên chợ Tết cũng bắt đầu. Từ nhiều xã lân cận, dòng người đổ về chợ. Những dãy hàng bán cây đào, cây quất, bán lá dong, hoa cúc, thược dược, lay ơn… rồi nhiều thứ hàng tiêu dùng như thực phẩm và đồ dùng thông dụng, kể cả bộ ấm chén và chiếu cói. Mẹ mua những bông hoa được gói vào lá chuối để bày vào đĩa, đặt lên bàn thờ và thắp hương. Cha mua về những cành lay ơn hoa đỏ, trắng. Cái không khí nhộn nhịp, tất bật của chợ Tết đọng trên những gương mặt, trên những dáng đi hối hả của người bán, người mua, trong những lời chào mời, mặc cả. Dãy hàng hoa và quả cây mẹ ngồi có sắc màu và hương vị riêng biệt. Nhà nào cũng đến đây sắm cho gia đình mình mâm ngũ quả. Góc chợ kia, ông nặn tò he vẫn nặn bằng bột màu các nhân vật trong dã sử Trung Hoa như Quan Vân Trường, Trương Phi, Lưu Bị, Lã Bố, Triệu Tử Long, hay các nhân vật huyền thoại trong Tây Du Ký như: Tôn Ngộ Không, thầy Đường Tăng, Sa Tăng, Trư Bát Giới. Những con tò he nhiều màu sắc được hình thành nhanh chóng bởi bàn tay thoăn thoắt của ông thợ nặn tài hoa, có nước da ngăm ngăm và nụ cười rạng rỡ.

Đi chợ Tết nay, người ta không chỉ đi mua bán hàng hoá mà còn để ngắm những sản vật khắp mọi nơi đưa về, và để tìm lại không khí của chợ Tết xưa. Bởi vì dù hòa mình trong nhịp sống hiện đại, nhiều người vẫn da diết nhớ những hình ảnh đầy màu sắc, những hương vị Tết đậm đà trong những phiên chợ Tết truyền thống, để từ đó thêm yêu những giá trị văn hóa bản sắc của quê hương./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com